Trong 10 giây, bạn trả lời đúng câu hỏi về bệnh sâu răng, đánh răng mấy lần trong ngày, cạo vôi răng bao lâu một lần… chứng tỏ có kiến thức tốt về chăm sóc răng miệng.
Ảnh: Health. |
Bạn hãy trả lời từng câu hỏi sau đây trong vòng 10 giây và so sánh với đáp án để hiểu hơn về cách chăm sóc răng miệng một cách khoa học, theo bác sĩ Dương Anh Tuấn, phòng nha Tâm Đức, TP HCM.
Câu 1. Nên đánh răng mấy lần trong ngày là tốt nhất?
A. 2
B. 3
C. 4
D. 5
E. Càng nhiều càng tốt
Đáp án: B
Giải thích: Theo khuyến cáo của các chuyên gia nha khoa, một ngày nên đánh răng từ 2 đến 3 lần là tốt nhất. Nếu đánh ít hơn một lần thì răng rất dễ bị vi khuẩn tấn công. Đánh nhiều hơn 3 lần, răng dễ bị mòn do tác động cơ học dẫn đến ê buốt về sau. Nên chải răng sau các bữa ăn chính. Trong đó quan trọng nhất là sau bữa ăn tối. Buổi tối là khoảng thời gian nghỉ ngơi dài nhất, từ 6 đến 8 giờ, thời điểm này vi khuẩn dễ xâm nhập và phá hủy men răng.
Câu 2. Sau khi ăn xong, nên đánh răng vào lúc nào?
A. Ngay lập tức
B. Sau 10 phút
C. Sau 30 phút
D. Sau một tiếng đồng hồ
E. Sau 2 tiếng đồng hồ
Đáp án: C
Nghiên cứu cho thấy, khi uống một ly nước ngọt, sau đó đợi 20 phút rồi mới đánh răng cũng làm mòn bề mặt răng dưới lớp men. Do vậy các chuyên gia nha khoa khuyên nên chờ 30 phút sau khi ăn hoặc uống rồi mới đánh răng là lý tưởng nhất. Nhiều người nghĩ rằng nên đánh răng ngay sau khi ăn các loại trái cây giàu axit vì sợ gây hại cho răng. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy việc chải răng ngay lúc này còn khiến axit ngấm sâu hơn vào men răng. Vì thế tốt nhất nên súc miệng bằng nước sạch sau khi ăn trái cây giàu axit rồi chờ 30 phút đến một giờ sau mới đánh răng.
Câu 3. Bao lâu nên cạo vôi răng một lần?
A. 3 tháng
B. 6 tháng
C. Một năm
D. 2 năm
Đáp án: B
Để hạn chế tác hại của vôi răng, nên thường xuyên đánh răng để lấy hết mảng bám và ngăn ngừa vôi xuất hiện. Khi thấy vôi bắt đầu hình thành quanh chân răng với đặc điểm là những mảng bám sẫm màu không trơn láng như cấu trúc răng bình thường, cần đến các cơ sở nha khoa để lấy sạch vôi. Bác sĩ khuyên, tốt nhất nên lấy vôi răng định kỳ 6 tháng một lần.
Câu 4. Khi nào nên bắt đầu đánh răng cho trẻ?
A. Dưới một tuổi
B. Từ một đến 3 tuổi
C. Từ 3 đến 6 tuổi
D. Trên 6 tuổi
Đáp án: B
Từ một tuổi trở đi trẻ đã mọc đủ 8 răng cửa, đây là thời gian phù hợp để bắt đầu vệ sinh răng miệng cho bé. Lưu ý: Nên dùng bàn chải mềm, nhỏ và kem đánh răng dành cho trẻ em.
Câu 5. Nên thay bàn chải đánh răng bao lâu một lần?
A. Một tháng
B. Từ 3 đến 4 tháng
C. Một năm
Đáp án: B
Bàn chải cũ sẽ không đủ tốt để làm sạch răng bạn. Khi lông bàn chải đã mòn, hỏng sẽ không thể chải răng sạch. Sau 3 đến 4 tháng sử dụng bạn thấy bàn chải của mình vẫn còn mới, song các nha sĩ khuyến cáo lúc này nên thay bàn chải khác để vệ sinh răng tốt hơn.
Câu 6. Bệnh sâu răng là do “con sâu răng” gây ra?
A. Đúng
B. Sai
Đáp án: B
Bệnh sâu răng không phải do con “sâu” thực sự mà là một số loại vi khuẩn ở trong miệng, chẳng hạn như streptococcus mutans làm oxy hóa đường và tinh bột thành axit. Axit sẽ ngấm vào các vết nứt và chỗ trũng trên bề mặt răng phá hủy men răng và tạo thành lỗ sâu răng.
Câu 7. Ăn nhiều đường tăng nguy cơ gây sâu răng?
A. Đúng
B. Sai
Đáp án: A
Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều hơn 5 muỗng đường một ngày có nguy cơ sâu răng cao hơn người ăn dưới 5 muỗng một ngày. Về lý thuyết, nếu một người thường xuyên ăn đường và thường xuyên đánh răng thì nguy cơ sâu răng sẽ giảm đi. Tuy nhiên trên thực tế hầu như những người thích ăn đường thường không chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách, hơn nữa đánh răng quá nhiều cũng gây hại cho răng. Vì vậy các nha sĩ khuyến cáo mọi người nên hạn chế ăn đường, ưu tiên chọn các loại thực phẩm ít ngọt để hạn chế sâu răng.
Câu 8. Nước ngọt không đường gây hại cho răng?
A. Đúng
B. Sai
Đáp án: A
Trong các loại nước ngọt, không chỉ có đường mới là tác nhân gây sâu răng. Nghiên cứu cho thấy các loại nước uống có ga đều chứa hàm lượng axit cao và chính nó phá hủy men răng. Axit thậm chí có thể gây hại cho răng hơn cả đường. Do vậy nên tránh uống các loại nước ngọt có ga dù có đường hay không đường. Nên uống nước lọc hoặc nước có lượng flo vừa phải.
Câu 9. Đường gây sâu răng phụ thuộc?
A. Loại đường
B. Ăn nhiều đường
C. Thời gian đường bám dính trên răng
D. Ăn nhiều lần
E. Ăn nhiều đường và nhiều lần
Đáp án: C
Mảng bám được hình thành liên tục trong miệng chúng ta. Một số loại vi khuẩn sử dụng những mảng bám thức ăn và nước bọt để phát triển mảng bám là nguyên nhân của sâu răng. Mảng bám hay đường bám dính càng lâu càng tăng nguy cơ gây sâu răng, viêm nướu quanh răng, viêm nha chu.
Câu 10. Bệnh nào sau đây dễ gây rụng răng sớm?
A. Tiểu đường
B. Loãng xương
C. Cả 2
Đáp án: C
Tiểu đường khiến bạn dễ mắc bệnh viêm lợi nghiêm trọng. Nướu tụt ra xa răng, răng lung lay và rụng sớm. Loãng xương có thể gây yếu xương hàm vốn là đế bám của răng. Nếu bạn mắc cả 2 bệnh trên thì cần phải có kế hoạch chăm sóc răng và lợi thật tốt. Trong trường hợp bị loãng xương cần cung cấp đủ vitamin D, K, canxi. Người bị tiểu đường cần cạo vôi định kỳ, đánh răng, làm vệ sinh răng miệng hàng ngày, tránh để bị trầy xước vùng răng miệng.
Theo VNE
Bài viết liên quan: