Hiện tượng trẻ mọc thiếu răng sữa cần được phát hiện sớm nhằm đưa ra những can thiệp kịp thời, tránh các hệ quả không tốt đối với sức khỏe răng miệng sau này.
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ mọc thiếu răng sữa
Răng sữa ở trẻ em giữ vai trò quan trọng trong hoạt động nhai, nói, thẩm mỹ và giữ chỗ cho răng vĩnh viễn tương ứng trên cung hàm, giúp răng vĩnh viễn mọc thuận lợi và xương hàm phát triển bình thường. Răng sữa mọc thiếu xảy ra với tỉ lệ thấp, thường không có triệu chứng, tuy nhiên có thể được nhận biết trong các trường hợp dưới đây:
- Trẻ em mọc thiếu răng sữa có thể được phát hiện trong khi kiểm tra sức khỏe răng miệng thông qua việc đếm số răng sữa rẻ đã mọc tương ứng với tuổi.
- Răng sữa mọc từ mầm răng đã hình thành trước đó trong cung hàm, một số trường hợp, mầm răng sữa không mọc lên được tạo thành nang răng có thể gây sưng, đau, thậm chí viêm nhiễm… trường hợp này trẻ sẽ được chẩn đoán và can thiệp thông qua khám chuyên khoa và chụp X quang.
- Răng vĩnh viễn mọc lệch cũng có thể là dấu hiệu nhận biết răng sữa mọc thiếu ở trẻ. Răng sữa không chỉ giữ vai trò hỗ trợ hoạt động nhai, nói ở trẻ trong những nằm đầu đời mà còn giúp tạo chỗ cho răng vĩnh viễn mọc, thông thường răng vĩnh viễn sẽ mọc ngay dưới chân của răng sữa. Khi trẻ bị thiếu răng sữa, các răng vĩnh viễn sẽ dễ mọc lệch và bất thường về hình dáng.
- Ở trẻ có các rối loạn mang tính chất di truyền như sứt môi, hở hàm ếch, hội chứng Down, …cũng thường có thiếu răng sữa đi kèm.
Lưu ý, một số trường hợp như bị nhổ nhầm hoặc chấn thương vùng hàm mặt làm trẻ bị mất răng có thể dẫn đến nhầm tưởng trẻ mọc thiếu răng sữa.
2. Nguyên nhân trẻ mọc thiếu răng sữa
Răng sữa mọc thiếu ở trẻ em có thể là kết quả của các rối loạn bẩm sinh hoặc gặp phải trong quá trình phát triển.
- Nguyên nhân do bẩm sinh:
- Thiếu răng sữa do không có mầm răng sữa thường gặp với tỉ lệ khoảng 1,5%.
- Sự bất ổn định trong bộ gen, đặc biệt ở 2 đoạn mã gen MSX1 & PAX9 có thể khiến trẻ mọc thiếu răng.
- Trong thai kỳ, nếu người mẹ hút thuốc lá hoặc sử dụng các thuốc điều trị hay các chất hóa học khác chẳng hạn như Thalidomide có thể khiến trẻ sinh ra bị mọc thiếu răng sữa.
- Trẻ em mọc thiếu răng sữa gặp phải trong quá trình phát triển:
- Trường hợp trẻ có mầm răng sữa, nhưng do các nguyên nhân khác nhau làm cho mầm răng của trẻ bị mọc ngầm, không mọc ra ngoài khoang miệng được nên trẻ cũng bị thiếu răng sữa.
3. Tác hại khi trẻ mọc thiếu răng sữa
- Trẻ em mọc thiếu răng sữa ở vị trí răng hàm thì có thể ảnh hưởng tới khả năng nhai của trẻ, từ đó làm hạn chế khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn của trẻ.
- Nếu như trẻ bị mọc thiếu răng sữa ở vị trí răng cối sẽ thường khó quan sát và ít ảnh hưởng đến nụ cười, nhưng nếu mọc thiếu răng sữa ở vị trí răng cửa sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều cho nụ cười cũng như vẻ đẹp của khuôn mặt trẻ.
- Trẻ mọc thiếu răng sữa có thể dẫn đến răng vĩnh viễn mọc lệch, mất thẩm mỹ, gây tổn hại đến răng và xương hàm, ảnh hưởng lớn đến khả năng ăn nhai sau này.
- Trẻ mọc thiếu răng sữa cũng có các nguy cơ bệnh răng miệng tăng cao hơn như sâu răng, viêm lợi, …
4. Cách khắc phục trẻ mọc thiếu răng sữa
Đối với trẻ mọc thiếu răng sữa, cần xác định xem mầm răng sữa có tồn tại hay không để có hướng xử trí hợp lý.
- Trường hợp không có mầm răng sữa: Trẻ mọc thiếu răng sữa do thiếu mầm răng sữa không có nghĩa là trẻ sẽ thiếu răng vĩnh viễn tương ứng. Nếu không có triệu chứng bất thường, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng của trẻ và đưa trẻ đi khám nha khoa định kỳ.
- Trường hợp mầm răng sữa có tồn tại nhưng bộ răng sữa bị mọc thiếu: Trường hợp này, chiếc răng sữa bị thiếu không thể mọc lên khỏi nướu được mà nằm lại trong khung xương hàm. Khi đó, trẻ cần được can thiệp để giải phóng chiếc răng này ra khỏi nướu, nhằm đảm bảo quá trình mọc răng vĩnh viễn diễn biến thuận lợi và tránh các tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra.
Như vậy, hiện tượng mọc thiếu răng sữa ở trẻ có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và dẫn đến các hệ quả sức khỏe không tốt. Do đó, nếu trẻ bị mọc thiếu răng sữa, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Hệ thống Y tế để được các bác sĩ thăm khám và có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Bài viết liên quan: