Thế nào là răng nhiễm fluor?

Răng nhiễm fluor là kết quả của việc tiêu thụ dư thừa fluor trong quá trình hình thành răng. Tình trạng nhiễm fluor ở men răng hay tình trạng răng bị nhiễm fluor nguyên phát chỉ có thể xảy ra khi răng đang hình thành và do đó chỉ xảy ra trong thời thơ ấu. Trong hàm răng vĩnh viễn, nếu răng bị nhiễm fluor sẽ bắt đầu với các răng cửa dưới, khi hoàn thành quá trình khoáng hóa vào khoảng 2–3 tuổi và kết thúc sau quá trình khoáng hóa của răng hàm thứ ba.

1. Răng nhiễm fluor là gì?

Răng nhiễm fluor là một rối loạn của men răng, gây ra bởi sự tiếp xúc liên tiếp với nồng độ fluor cao trong quá trình phát triển, dẫn đến men răng có hàm lượng khoáng chất thấp và tăng độ xốp. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng răng bị nhiễm fluor phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc quá mức với fluor, phản ứng từng cá nhân, cân nặng, mức độ hoạt động thể chất, các yếu tố dinh dưỡng và sự phát triển của xương nói chung. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể làm tăng tính nhạy cảm của cá nhân đối với tình trạng răng nhiễm fluor là suy dinh dưỡng và suy thận.

Khi răng nhiễm fluor, thay đổi tính thẩm mỹ trong răng vĩnh viễn là vấn đề lo ngại lớn nhất, dễ xảy ra hơn ở trẻ em tiếp xúc quá nhiều với fluor, nhất là trong giai đoạn từ 20 đến 30 tháng tuổi. Mức an toàn cho lượng fluor hàng ngày là 0,05 đến 0,07 mg F / Kg / ngày. Trên mức này, nguy cơ răng bị nhiễm fluor do tiêu thụ fluor mãn tính là điều hiển nhiên.

Các nghiên cứu ở các khu vực có hoặc không bổ sung fluor trong nước uống đã xác định được 4 nguồn tăng nguy cơ nhiễm fluor răng miệng, đó là: nước uống có chứa fluor, chất bổ sung fluor, dùng fluor tại chỗ (đặc biệt là kem đánh răng có chứa fluor) và dùng sữa công thức được kê đơn cho trẻ em. Hơn nữa, một số trẻ em được sử dụng thực phẩm công nghiệp hóa cũng có thể có một đóng góp quan trọng cho nguy cơ tăng mức tiêu thụ fluor hàng ngày. Hơn nữa, trẻ bị thừa flour không chỉ gây ảnh hưởng cho hàm răng mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, nhất là khung xương, gây kém vững chắc và chiều cao gặp hạn chế.

Việc sử dụng fluor được coi là một yếu tố quan trọng trong công tác ngăn ngừa và quản lý sâu răng, ức chế khử khoáng và kích thích tái khoáng. Do sự phổ biến rộng rãi của các nguồn cung cấp fluor khác nhau, tỷ lệ sâu răng giảm và gia tăng tỷ lệ bệnh nha khoa do răng bị nhiễm fluor đã được ghi nhận trong các cộng đồng, bao gồm cả có và không có nước uống bổ sung fluor.

Biết được nguồn gốc răng nhiễm fluor, tình trạng này có thể được ngăn ngừa bằng cách theo dõi số lượng fluor mà trẻ em dưới 6 tuổi có thể tiếp xúc. Từ đó, nha sĩ phải xác định được các nguồn fluor chính để ngăn ngừa phơi nhiễm fluor quá mức và hướng dẫn cha mẹ hoặc người chăm sóc về cách quản lý liều lượng hàng ngày cho trẻ thích hợp.

2. Cách xác định răng bị nhiễm fluor như thế nào?

Việc chẩn đoán đầy đủ tình trạng răng bị nhiễm fluor đòi hỏi phải kiểm tra trong điều kiện bề mặt răng khô và sạch, dưới nguồn sáng tốt. Biểu hiện lâm sàng của các răng nhiễm fluor nhẹ đặc trưng bởi các vân trắng đục chạy theo chiều ngang trên men răng, thường ở hai bên, lan tỏa hay không có sự phân định rõ ràng. Các chất trắng đục trên men răng có thể kết hợp lại với nhau để tạo thành đốm màu trắng. Ở những răng bị nhiễm fluor nghiêm trọng hơn, men răng có thể trở nên đổi màu và / hoặc thâm rỗ bề mặt. Các vết ố sẽ phát triển lớn hơn theo thời gian do sự khuếch tán của các ion ngoại sinh (ví dụ, sắt và đồng) vào trong làm cho men răng xốp hơn và kém vững chắc, dễ gãy.

Ngày nay, chẩn đoán phân biệt giữa tình trạng răng bị nhiễm fluor hay không vẫn dựa trên sự khác biệt giữa các mảng trắng trên răng đối xứng hay không đối xứng. Các khó khăn trong chẩn đoán chủ yếu xảy ra với các răng bị nhiễm fluor dạng nhẹ. Ngoài ra, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng độ mờ men răng nếu không do nhiễm fluor có thể bao gồm tình trạng giảm sản răng, các tổn thương trên răng rời rạc, các vết mờ trắng hoặc đổi màu có ranh giới thường ảnh hưởng đến một răng duy nhất và nếu nhiều răng thì ít thường xuyên hơn với phân phối đối xứng. Đây có thể là kết quả của một hay nhiều yếu tố toàn thân hoặc cơ địa.

3. Làm sao để phòng tránh răng bị nhiễm fluor?

Kiểm soát lượng fluor sử dụng hằng ngày là cách phòng ngừa răng bị nhiễm fluor tốt nhất cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, đo độ fluor ở răng thường xuyên có thể thực hiện khi nghi ngờ răng bị nhiễm fluor và gây ra các vấn đề thẩm mỹ cho bệnh nhân. Từ kết quả này, nha sĩ sẽ đề nghị một số kỹ thuật điều trị răng bị nhiễm fluor tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Trong đó, kỹ thuật tẩy trắng và mài mòn men răng thận trọng sẽ mang lại kết quả rất khả quan nếu răng bị nhiễm fluor trung bình và nặng mà không gây mài mòn răng quá mức.

Nếu bệnh nhân yêu cầu tính thẩm mỹ cao khi răng bị nhiễm fluor nặng hay có chỉ định chỉnh nha, thực hiện răng bọc sứ hay sử dụng mão răng giả có thể cần thiết.

Tóm lại, để xác định răng nhiễm fluor ở trẻ em do hấp thụ fluor quá mức. Điều quan trọng là phải đánh giá xem nguồn fluor nào bị phơi nhiễm cũng như một số nguy cơ cho sự phát triển của tình trạng này. Theo đó, để đảm bảo cho trẻ vừa có hàm răng chắc khỏe, vừa có màu sáng trắng thẩm mỹ, các nha sĩ phải xem xét những khuyến nghị đối với sử dụng fluor tại chỗ, cũng như hướng dẫn cha mẹ hoặc người chăm sóc về độ tuổi sử dụng kem đánh răng, số lượng và nồng độ fluor được sử dụng ở mỗi lứa tuổi của trẻ.