Đau hoặc mỏi cơ hàm là dấu hiệu của loạn khớp hàm đúng không?

Loạn khớp hàm gây đau, mỏi các cơ hàm như vùng góc hàm, dưới hàm và thái dương. Triệu chứng này có thể lan xuống vùng cổ, vùng vai gáy, vùng trước tai, trong tai, ù tai, nghe kém.

1. Loạn khớp hàm là gì?

Khớp hàm là khớp động duy nhất ở đầu mặt, nằm trước tai, dưới thái dương. Khớp hàm được cấu tạo bởi một đĩa khớp, lồi cầu của xương hàm dưới và diện khớp của xương thái dương. Rối loạn khớp hàm hay còn gọi loạn khớp hàm thái dương là tình trạng đau ở quanh khớp hàm và các cơ điều khiển việc nhai. Những cơn đau này gây ra do hệ thống cơ bắp, dây chằng, đĩa đệm và xương hoạt động sai lệch. Các nguyên nhân gây ra rối loạn khớp hàm có thể bao gồm:

  • Người bệnh cắn chặt hàm hoặc nghiến răng, ăn nhai chỉ một bên nhiều năm khiến chúng phải chịu lực nhiều hơn, lâu dần làm khớp cắn bị lệch, gây cản trở khi hàm dưới vận động.
  • Răng mọc lệch lạc và răng không khớp nhau.
  • Rối loạn khớp hàm khi bạn bị viêm khớp và chấn thương hàm, đầu hoặc cổ.
  • Stress, lo lắng và những rối loạn tâm lý khác có thể khiến rối loạn khớp hàm, vì nó làm giảm ngưỡng đề kháng của hệ thống nhai, tăng co thắt cơ khiến sai lệch chức năng.
  • Do rối loạn vi lượng dinh dưỡng như thiếu magnesium… hay do nội tiết

Do diễn biến bệnh âm thầm nên người bệnh thường bỏ qua việc điều trị, khiến bệnh có nguy cơ cao tiến triển thành thoái hóa khớp không hồi phục. Lâu dần sẽ khiến sức khỏe răng miệng, toàn thân giảm sút, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

2. Dấu hiệu của loạn khớp hàm

Các dấu hiệu của loạn khớp hàm thái dương bao gồm:

  • Ở mức độ nhẹ, dấu hiệu của loạn khớp hàm thể hiện bằng triệu chứng mỏi cơ khi ăn nhai, há hay ngậm miệng có tiếng kêu lục cục, nặng mặt, căng hai bên mang tai.
  • Ở giai đoạn nặng, dấu hiệu của loạn khớp hàm là gây đau các cơ hàm như vùng góc hàm, dưới hàm và thái dương, lan xuống vùng cổ, vùng vai gáy, đau vùng trước tai, trong tai, ù tai, nghe kém. Do vậy, đau mỏi cơ hàm có thể là dấu hiệu cảnh báo của loạn khớp hàm.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau đầu hoặc làm giới hạn vận động của hàm dưới khiến việc há miệng bị hạn chế, há miệng lệch sang một bên,
  • Ăn, nhai và nói chuyện không bình thường.
  • Nhuyễn sụn khớp, thoái hóa, tiêu các đầu xương của diện khớp, xơ cứng khớp, dính khớp nếu để bệnh lâu dài không điều trị.

3. Điều trị rối loạn khớp hàm

Khi nghi ngờ có dấu hiệu của loạn khớp hàm, bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên triệu chứng và kiểm tra mặt, hàm. Người bệnh có thể phải chụp cộng hưởng từ và nội soi khớp. Sau khi chẩn đoán chính xác, các phương pháp điều trị rối loạn khớp thái dương – hàm bao gồm:

  • Điều trị bằng dùng thuốc: Các loại thuốc điều trị sẽ khác nhau, cả thuốc kê toa và không kê toa để giúp bạn giảm đau. Có thể dùng thuốc kháng viêm.
  • Chườm nhiệt hoặc chườm lạnh để làm giảm đau.
  • Thực hiện chế độ ăn mềm và ít nhai nhiều để giảm sự chịu đựng và mệt mỏi cho cơ hàm.
  • Các vấn đề về răng và hàm có thể khắc phục bằng cách niềng răng hoặc đặt đĩa cắn.
  • Luyện tập hàm để giúp bạn thả lỏng hàm, đồng thời, nếu căng thẳng là nguyên nhân gây rối loạn khớp hàm, bạn cần được tư vấn hoặc sử dụng các liệu pháp đặc biệt.
  • Sử dụng phương pháp kiểm soát cơn đau như châm cứu hoặc dùng điện kích thích dây thần kinh qua da.
  • Phẫu thuật hàm khi cơn đau quá nghiêm trọng và các cách điều trị khác áp dụng không thành công.
  • Khi có các dấu hiệu như trên, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm.