Nhu cầu làm đẹp của mọi người ngày càng gia tăng nên việc chỉnh nha bằng phương pháp niềng răng cũng trở nên phổ biến hơn. Trong quá trình niềng răng, bước gắn khâu (band) là một giai đoạn quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả niềng. Vậy cụ thể gắn band răng để làm gì, có gây khó chịu hay không?

1. Gắn band răng để làm gì?

Gắn band răng hay còn gọi là khâu chỉnh nha, đây là một dụng cụ trong quá trình niềng răng được sử dụng rất rộng rãi. Hầu hết các ca niềng răng đều cần phải sử dụng đến band để chịu lực. Chất liệu chính của khâu chỉnh nha là kim loại, có hình dạng tròn hoặc hơi vuông và phải phù hợp với hình dáng răng hàm của người được niềng răng.

Khâu chỉnh nha thường được gắn tại vị trí răng hàm số 6 hoặc số 7, với nhiệm vụ chính là trở thành một nơi neo giữ, điểm tựa tạo lực cho hệ thống mắc cài hoặc thun liên hàm, giúp kéo răng về vị trí tiêu chuẩn. Trên khâu có móc để gắn thun và ống nhỏ để luồn dây.

Ưu điểm của kỹ thuật niềng răng có gắn khâu là quá trình chỉnh nha thường được rút ngắn do sử dụng lực kéo mạnh, vì vậy khâu phải rất chắc chắn, khó bong. Nhược điểm của việc gắn band răng là gây khó chịu cho bệnh nhân do phải đặt thun tách kẽ răng trong giai đoạn đầu.

thun tách kẽ
Bệnh nhân phải đặt thun tách kẽ trước khi gắn band răng

2. Gắn band răng có đau không?

Gắn khâu có đau không còn tùy thuộc vào tình trạng hàm răng, mức độ thưa giữa các răng hàm với nhau. Nếu khoảng cách giữa các răng hàm lớn, răng thưa sẵn thì việc gắn band răng sẽ dễ dàng, không gây bất cứ cảm giác khó chịu nào vì có đủ khoảng trống cần thiết để gắn khâu vào răng hàm.

Ngược lại, nếu răng hàm mọc đúng chuẩn, khoảng cách giữa các răng nhỏ và khít nhau, răng đều thì muốn gắn được khâu, bác sĩ cần một bước trung gian là đặt thun tách kẽ răng trước khi gắn band răng.

Cảm giác đau nhức khó chịu sẽ xuất hiện do thun tách kẽ gây ra, nhưng nó chỉ xuất hiện sau vài ngày đặt và sẽ khỏi một thời gian ngắn sau khi các răng đã được tách ra theo ý bác sĩ nha khoa.

Tuy nhiên, ngoài cảm giác đau khó chịu do thun tách kẽ, bệnh nhân còn có thể gặp phải tình trạng xô lệch hàm sau khi gắn khâu. Nếu nhận thấy tình trạng này, bệnh nhân cần đến tái khám với bác sĩ chỉnh nha càng sớm càng tốt, có thể cần phải gắn band răng lại nếu các bác sĩ thấy cần thiết.

Đau răng
Gắn band răng khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức khó chịu

3. Gắn khâu răng trong bao lâu thì tháo?

Khâu răng là nơi neo giữ, điểm tựa để tạo lực kéo cho các mắc cài và hệ thống thun. Do đó, khâu chỉnh nha chắc chắn sẽ gắn liền với người sử dụng trong suốt quá trình niềng răng.

Khâu răng sẽ được tháo bỏ khi bác sĩ nha khoa thông báo hoàn tất toàn bộ quá trình niềng răng chỉnh nha. Người niềng răng cần lưu ý thực hiện việc chăm sóc răng theo hướng dẫn của bác sĩ để thời gian niềng răng cũng như thời gian gắn khâu được rút ngắn lại.

4. Sự thay đổi của hàm răng khi gắn khâu

Quá trình niềng răng rất dài, không phải ngày một ngày hai là thấy được sự thay đổi của hàm răng. Thời gian ít nhất để có sự khác biệt của răng là 2 tháng trở lên.

Sau khi gắn khâu, sự thay đổi vị trí răng phụ thuộc vào cơ địa của từng người, có trường hợp rất nhanh chỉ trong vài tháng nhưng có trường hợp phải mất đến vài năm thì sự co kéo của khâu mới đưa toàn bộ răng về đúng vị trí mong muốn. Do đó, người niềng răng không cần phải quan sát hằng ngày và trông chờ quá mức vào sự thay đổi của răng

Vì sao niềng răng mắc cài kim loại vẫn được ưa chuộng?
Thời gian dịch chuyển của răng tùy thuộc vào cơ địa mỗi người

5. Không gắn band răng khi niềng được không?

Nhiều bệnh nhân lo sợ cảm giác khó chịu khi gắn khâu trong quá trình niềng răng. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, khâu chỉnh nha (band) là một phần rất quan trọng và không thể thiếu mỗi khi niềng răng. Đây là điểm tạo lực chính, là điểm kết nối giữa các dụng cụ để trở thành một hệ thống nắn chỉnh răng hoàn chỉnh, giúp đưa răng về vị trí tiêu chuẩn.