Cách đánh răng đúng cách khi niềng răng

1. Tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng khi niềng răng

Đối với hầu hết mọi người thì chải răng và dùng chỉ nha khoa là cách thông thường để đảm bảo vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đang điều trị chỉnh nha cố định thì như thế vẫn là chưa đủ. Nguyên nhân là thức ăn rất dễ dàng bị mắc kẹt lại ở bên dưới dây cung, xung quanh các thun buộc tại chỗ và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để hình thành mảng bám. Theo thời gian, vi khuẩn trong mảng bám hấp thu đường và chuyển hóa thành acid để kích thích nướu, gây hôi miệng và sâu răng.

Do đó, yếu tố quan trọng để đảm bảo vệ sinh răng miệng là việc lấy sạch mảng bám trên răng và xung quanh mắc cài thường xuyên, từ đó giúp cho bộ răng sau khi chỉnh nha xong được khỏe mạnh và bóng đẹp.

2. Cách đánh răng đúng cách khi niềng

Rất nhiều người quan tâm đến cách chải răng đúng cách khi niềng răng, bởi quy trình này có phần phức tạp hơn so với cách chải răng thông thường.

Để thực hiện các bước chải răng đúng cách thì bạn cần chuẩn bị một chiếc bàn chải mềm và chải với một lực vừa phải cùng với kem đánh răng có chứa fluor. Đặt bàn chải lên phía trên nướu với độ nghiêng vừa phải và “vuốt” nhẹ nhàng dọc theo bề mặt của răng. Thực hiện chải thật sạch lần lượt từng mặt răng của tất cả các răng gồm các vùng phía trên, dưới và ở giữa mỗi mắc cài.

Mỗi ngày nên chải răng ít nhất 3 lần vào sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Bàn chải đánh răng dùng cho người niềng răng sẽ hư nhanh chóng hơn bình thường, vì có sự xuất hiện của mắc cài. Do đó bạn cần thay bàn chải ngay khi nó bị xơ tua.

Cần lưu ý khi chải răng:

  • Không chải với lực quá mạnh: Khi chải răng với lực mạnh không những không làm sạch được răng mà còn làm bàn chải mau hư hỏng. Cấu tạo của các mảng bám răng rất mềm nên chỉ cần chải nhẹ nhàng nhiều lần là có thể đánh tan hết.
  • Không thực hiện chải răng theo kiểu chải ngang như kéo đàn, vì làm như vậy có thể dẫn đến mòn cổ răng, hư nướu và răng không được sạch. Nên thực hiện chải răng lên xuống theo hướng trục răng hoặc theo hình vòng tròn để làm sạch răng. Thời gian chải răng nên diễn ra ít nhất trong 2 phút.
  • Cần sử dụng cùng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa fluoride để hỗ trợ bảo vệ và giúp răng cứng chắc trong suốt quá trình chỉnh nha.

3. Một số phương pháp vệ sinh răng miệng khác khi niềng răng

3.1. Bàn chải kẽ

Bàn chải kẽ răng là dụng cụ rất hữu hiệu để lấy đi một lượng lớn mảnh vụn thức ăn và nên sử dụng hằng ngày để lấy đi mảng bám trên răng và nướu. Bạn cần bẻ gập phần dây thép của bàn chải tạo góc thích hợp. Sau đó đưa bàn chải luồn bên dưới dây cung môi, hướng từ nướu về phía cạnh cắn, chải chậm rãi khoảng 15 lần từ mắc cài này đến mắc cài khác. Khi đã dùng bàn chải kẽ cho mỗi mắc cài thì đến bước dùng bàn chải thông thường theo cách đã hướng dẫn ở trên.

3.2. Chỉ nha khoa

Chỉ tơ nha khoa được xem là thích hợp cho răng niềng, nhưng cần đảm bảo yêu cầu là loại dễ sử dụng và không gây chấn thương cho nướu răng. Bạn có thể thực hiện phương pháp lấy sạch mảng bám giữa các kẽ răng bằng chỉ tơ cuộn theo cách sau:

  • Mỗi lần sử dụng, bạn cần lấy một đoạn chỉ dài khoảng 30 – 45cm rồi cuộn hai đầu chỉ vào hai ngón giữa, dùng hai ngón cái và ngón trỏ để căng đoạn chỉ này sao cho ở giữa còn một đoạn khoảng 3-5cm.
  • Thực hiện kéo nhẹ nhàng để sợi chỉ chui lọt vào kẽ răng rồi uốn sợi chỉ ôm quanh răng. Kéo chỉ theo hướng lên xuống để làm sạch răng. Để đảm bảo lấy sạch mảng bám và mảnh vụn thức ăn thì bạn nên đưa sợi chỉ nhẹ nhàng dưới nướu một ít. Ở mỗi vùng kẽ răng, thực hiện lặp lại động tác trên ít nhất hai lần, bao gồm một lần cho phía bên phải của kẽ răng và một lần cho phía bên trái.

3.3.Vệ sinh bằng máy tăm nước

Theo nghiên cứu của các chuyên gia nha khoa trên thế giới đã khẳng định rằng máy tăm nước đạt hiệu quả gấp 3 lần so với bàn chải và chỉ nha khoa trong việc làm sạch vùng kẽ răng và xung quanh mắc cài. Bạn chỉ mất 1-2 phút mỗi ngày với vài bước đơn giản khi sử dụng máy tăm nước cho việc vệ sinh răng miệng.

4. Chế độ ăn uống khi niềng răng sao cho hợp lý?

Xây dựng thói quen ăn uống đúng cách giúp bạn ngừa được những rủi ro bung mắc cài trong suốt quá trình chỉnh nha. Ngoài ra, việc ăn uống cẩn thận đối với các bệnh nhân mới đeo mắc cài cũng giúp giảm đau nhức và rút ngắn thời gian niềng răng do rơi mắc cài tốn thời gian niềng lại. Nên tránh sử dụng những loại thực phẩm dính như kẹo cao su, kẹo caramel, kẹo gummy,… dễ vệ sinh răng miệng hơn.

Những loại thực phẩm có tính giòn, dai, dính, cứng có khả năng gây hư hỏng khí cụ gây bung tuột hoặc ảnh hưởng tới lực kéo răng như bánh mì vỏ cứng, bánh mì Pháp, bánh dày, bánh nếp, bỏng ngô, kẹo cứng, nước đá,…

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có chứa nhiều chất ngọt và tinh bột như thức ăn nhanh và bánh kẹo. Đó sẽ là môi trường có chứa nhiều đường dễ sinh ra các axit và các mảng bám gây sâu răng và các bệnh nha chu. Nên hạn chế hút thuốc lá, sử dụng nhiều trà, soda, café, kẹo,… trong giai đoạn niềng, vì chúng có chứa các chất tạo màu có thể gây tác động xấu đến răng của bạn.