Viêm chân răng giả là hiện tượng thường gặp ở những bệnh nhân mới làm răng giả. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, tùy thuộc vào diễn tiến bệnh mà bệnh nhân có thể tự chăm sóc tại nhà hoặc điều trị tại các cơ sở y tế.
1. Nguyên nhân gây viêm chân răng giả là gì?
Viêm chân răng giả là tình trạng vùng nướu răng giả có biểu hiện sưng và đỏ bất thường, một số trường hợp xuất hiện chân răng giả có mủ. Viêm chân răng giả có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, tuỳ từng nguyên nhân sẽ có biện pháp điều trị phù hợp
1.1 Hiện tượng bình thường sau khi làm răng giả
Đây là hiện tượng thường gặp ở nhiều bệnh nhân trồng răng giả, bao gồm cả phương pháp cắm trụ Implant. Sau khi đã đặt trụ vào trong xương hàm, phần xương và nướu chưa thể tương thích ngay được, dẫn tới tình trạng viêm khoảng vài ngày rồi thuyên giảm.
1.2 Do các bệnh lý về răng miệng
Các bệnh lý răng miệng như tụt nướu, sâu răng, viêm nha chu có thể khiến chân răng giả bị ảnh hưởng. Vi khuẩn từ vùng có bệnh sẽ tấn công vào chân răng giả và gây nên viêm nhiễm. Do đó, bệnh nhân cần điều trị khỏi dứt điểm các bệnh lý răng miệng trước khi làm răng giả.
1.3 Chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng không hợp lý
Chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe và tuổi thọ của răng giả. Bệnh nhân có thói quen ăn nhiều thực phẩm có đường, đồ ăn cay nóng sẽ có nguy cơ bị viêm chân răng cao hơn. Ngoài ra, một số bệnh nhân làm răng giả bị viêm lợi, viêm chân răng do thói quen vệ sinh qua loa, không đúng cách, từ đó khiến răng lung lay, dễ gãy rụng.
1.4 Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc có thể làm giảm lượng nước bọt tiết ra trong khoang miệng, điều này giảm khả năng bảo vệ nướu và răng của nước bọt. Do đó, răng và nướu sẽ dễ bị tổn thương hơn.
1.5 Do cơ địa bệnh nhân dễ bị kích ứng với chất liệu làm răng giả
Tình trạng này thường xảy ra với các loại răng sứ bằng kim loại, còn răng sứ không kim loại rất hiếm gặp phải tình trạng này.
2. Triệu chứng của viêm chân răng giả
Ơ giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ có biểu hiện sưng vùng nướu và đau nhức nhẹ, màu sắc của nướu chuyển từ hồng nhạt sang đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, bệnh nhân có thể cảm thấy cộm cứng chân răng, đau nhức nhẹ và hơi thở có mùi. Nếu tình trạng viêm chân răng giả kéo dài và không được điều trị đúng cách sẽ gây nên những triệu chứng nghiêm trọng hơn như viêm lợi có mủ. Đây là tình trạng nướu răng (lợi) hoặc tủy răng bị vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng, hình thành ổ abscess xung quanh phần chân răng hay ở vùng lợi, gây ra tình trạng đau nhức và sưng tấy.
Bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau nhức, khó chịu, một số bệnh nhân còn bị sưng mặt, ảnh hưởng tới khả năng ăn uống và sức khoẻ tổng thể của người bệnh. Ngoài ra, phần lợi quanh chân răng giả có thể bị tụt thấp xuống tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công vào tủy răng gây tê buốt, đau nhức kéo dài. Tình trạng viêm nhiễm cũng có thể lây lan sang các răng kế cận dẫn tới lung lay và nguy cơ mất răng hàng loạt.
3. Biến chứng do viêm chân răng giả gây ra
Viêm chân răng giả có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng như áp xe răng, tụt lợi, mất răng hoặc thậm chí là tiêu xương hàm.
- Áp xe răng: Do vi khuẩn từ vùng chân răng giả bị viêm tấn công sang các mô lân cận và tủy răng. Tủy răng bị viêm sẽ hình thành nên những ổ áp xe răng có mủ. Đây là bệnh lý răng miệng nguy hiểm và có thể gây mất răng vĩnh viễn.
- Tiêu xương răng, tụt lợi: Nướu bị mủ và sưng đỏ nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng tụt lợi. Khi này, chân răng bị lộ ra ngoài là cơ hội để vi khuẩn có hại tấn công. Vi khuẩn không chỉ tấn công tủy răng mà còn tấn công vào xương hàm. Các mô xương chịu ảnh hưởng có nguy cơ tiêu biến dần khiến cấu trúc xương hàm thay đổi.
- Răng lung lay, gãy rụng và nguy cơ mất răng hàng loạt: Đây là hậu quả nghiêm trọng do viêm chân răng giả gây ra. Các răng kế cận răng bị viêm có nguy cơ bị vi khuẩn tấn công, khiến chân răng dần yếu đi và có hiện tượng lung lay. Các tổ chức xung quanh răng như mô mềm, dây chằng đều có thể bị ảnh hưởng.
4. Bị viêm chân răng giả nên làm gì?
Tùy theo diễn biến của tình trạng viêm nhiễm mà bệnh nhân có thể điều trị tại nhà hay tại cơ sở y tế. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc viêm chân răng giả tại nhà:
- Chườm lạnh và chườm nóng: Chườm lạnh và chườm nóng là biện pháp làm giảm nhanh các cơn đau giúp, nhờ đó giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ phù hợp với những trường hợp viêm chân răng nhẹ trong giai đoạn đầu tiên.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn tới các răng kế cận. Bệnh nhân nên chải răng 2-3 lần mỗi ngày,sau mỗi bữa ăn. Chải răng sau khi ăn 15 phút, thời gian mỗi lần chải răng nên từ 3 – 5 phút, chải từ trong ra ngoài và nên sử dụng bàn chải có độ cứng vừa phải để không gây xước lợi. Sau khi chải răng, bệnh nhân nên súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn để giảm số lượng vi khuẩn có trong miệng, kết hợp với sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn và vi khuẩn trong các kẽ răng.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe của cơ thể cũng như sức khỏe răng miệng. Bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn khoa học, lành mạnh như bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất và các vitamin, hạn chế các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc quá nhiều đường.
Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm chân răng giả kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn như có mủ, đau nhức dữ dội. Bệnh nhân nên tới thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị dứt điểm. Sau khi điều trị khỏi, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ từ 3 – 6 tháng/ lần để kiểm tra và phòng ngừa các bệnh lý răng miệng khác.
Viêm chân răng giả là tình trạng phổ biến sau khi mới làm răng giả xong. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm. Để sức khỏe răng miệng, khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu khác thường nào sau khi làm răng giả, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ nha khoa để được hướng dẫn cách khắc phục tại nhà hoặc đặt lịch hẹn để được thăm khám trực tiếp.
Bài viết liên quan: