Những sự thật mà nha sĩ ít khi nào “hé răng”

1. Vì sao đã khó mở miệng mà cứ hỏi?

Bạn đã gặp tình trạng này chưa: miệng đầy bông gòn hay vừa gây tê xong, chỉ muốn “im lặng là vàng” mà nha sĩ cứ hỏi chuyện liên tục!

Đơn giản vì họ muốn phân tán sự chú ý của bạn. Nếu không, rất nhiều bệnh nhân cứ nhấp nha nhấp nhổm mỗi lần đưa dụng cụ vào miệng, lo lắng không biết răng của mình có vấn đề gì nghiêm trọng không. Như vậy sẽ rất khó để nha sĩ thao tác.

Vậy nên lần sau, bạn cứ ngoan ngoãn nghe câu hỏi của nha sĩ và tập trung trả lời cho thật hay vào, đừng bận tâm điều gì khác. Sẵn bật mí luôn, vì gặp vô vàn ca nên nha sĩ rất giỏi “dịch” và hiểu đoạn nói chuyện ú ớ của bệnh nhân đấy.

2. Vài chiêu khác để trấn an bệnh nhân

Nếu để ý, bạn sẽ thấy rất nhiều phòng khám nha khoa có bể cá cảnh tại nơi chờ. Nhưng bể cá đó không phải chỉ để cho đẹp đâu mà còn là liều thuốc giúp bệnh nhân bình tĩnh lại, bớt lo lắng hơn để cho nha sĩ… còn làm việc!

Nếu bể cá cảnh là thứ ai cũng thấy, thì nha sĩ lại luôn che giấu nhiều loại dụng cụ khuất tầm mắt bệnh nhân, nhất là đối với trẻ em.

Mục đích cũng là để bệnh nhân bình tâm hơn mà thôi. Chứ thử hỏi nhìn thấy bộ dụng cụ nào kìm nào kéo thì ai gan dạ nhất cũng không sợ cho được!

3. Nha sĩ ít khi…. nhìn thấy bạn

Nha sĩ thường mang kính lúp, giúp nhìn răng dưới kích thước phóng to 2,5 lần. Vì vậy họ khó có thể quan sát biểu hiện trên khuôn mặt bệnh nhân.

Đó chính là lí do nha sĩ cần phụ tá để biết xem bệnh nhân có đang nhăn nhó, khó chịu hay không, cũng như để lấy giúp các dụng cụ cần thiết.

4. Mùi đặc trưng của phòng răng

Đó là hỗn hợp mùi của găng tay làm bằng cao su latex và dung dịch florua dùng để chùi rửa. Ai cũng đồng ý rằng mùi này rất đặc trưng, và không ít người tỏ ra khó chịu, thắc mắc vì sao có thể chịu đựng nó mãi thế?

Tuy nhiên, nha sĩ Taylor từ miền trung tây Hoa Kỳ cho biết: “Ở lâu trong môi trường này, giờ tôi chẳng ngửi thấy mùi gì khác biệt nữa hết”!

5. Nha sĩ luôn sưu tầm răng đã nhổ, mục đích là…

Sinh viên các trường nha khoa ở Mỹ học ít nhất 4 năm. Hai năm đầu tiên, họ thực hành với răng nhựa. Hai năm còn lại, họ đến các phòng nha để xin những chiếc răng thật, nhằm thực tập bịt răng và trám răng.

Vì vậy, mọi phòng nha đều “sưu tầm” răng hư của bệnh nhân, đựng trong lọ thủy tinh. Nhưng nếu bạn muốn đem răng của mình về nhà thì sao? Được nhé, sau khi ngâm răng vào thuốc tẩy.

6. Nha sĩ dễ mắc bệnh về lưng và cổ

Nha sĩ cũng là người và cũng mắc bệnh, nhưng thường không phải về răng mà là ở lưng, cổ.

Bạn biết đó, do bệnh nhân khi khám răng rất căng thẳng nên họ được nằm trên chiếc ghế êm ái và đắt tiền. Nhưng đồng thời, nphải khom lưng xuống, chăm chú quan sát. Họ còn có đủ mọi tư thế kì cục khác nếu vị trí chiếc răng quá đặc biệt.

Danial Lopez, một nha sĩ tại New York, cho biết: “Sau khi làm việc 4 năm 3 tháng trong phòng răng, tôi bị đau vai và cổ rất thường xuyên. Mọi chuyện chỉ đỡ hơn khi tôi bắt đầu tập yoga để trị liệu”.

7. “Thời gian vàng” trong ngày để hẹn nha sĩ

Nếu bạn quá sợ đau khi đến phòng khám, hãy ghi nhớ những khung thời gian vàng dưới đây –đó là những lúc mà nha sĩ cảm thấy khỏe khoắn nhất.

Nha sĩ Safwan tiết lộ: “Chúng tôi cần 1-2 bệnh nhân vào đầu ngày để trở nên tỉnh táo, sảng khoái hoàn toàn”. Vì vậy, nếu phòng khám mở cửa lúc 8 giờ sáng, bạn hãy đến vào khung 9-11 giờ nhé.

Lưu ý tránh khung 12 giờ trưa đến 1 giờ chiều, tức sau bữa ăn trưa, thoe ông: “Lúc này, cơ thể tự nhiên còn bận tiêu hóa thức ăn và chưa thực sự sẵn sàng cho việc nhổ răng, nên chắc sẽ hơi đau đấy”!

8. Và 1 điều có thể bạn thừa biết: làm nha sĩ vô cùng khó

Ở Việt Nam, ngành nha khoa lấy điểm đầu vào cực cao. Ở Mỹ cũng vậy, ví dụ như trường ĐH Pittsburgh chỉ nhận 80 sinh viên nha khoa hàng năm, trong khi số lượng ứng tuyển lên tới 2.000 người.

Mặt khác, học hành tử tế xong chưa đủ, chi phí mở phòng răng cũng rất cao.

Theo như nha sĩ Eran Gutkin ở bang Seattle tiết lộ, chi phí cho các thiết bị sẽ tốn ít nhất 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng)!