Những yếu tố ảnh hưởng đến độ bền và thẩm mỹ của răng sứ

Răng sứ có độ bền chịu ảnh hưởng của 2 thành phần: phần răng sứ phủ bên ngoài, và phần răng thật bên trong, được che phủ bởi răng bằng sứ.

Một hàm răng sứ đẹp, thẩm mỹ và an toàn

Tủy răng: Răng được giữ tủy sẽ có “sức sống” và tồn tại lâu dài:

Răng được bảo tồn tủy sẽ có khả năng tự hồi phục, chống lại những tác nhân gây hại như vi khuẩn, các chất độc hại khác trong môi trường miệng. Răng có “tủy sống” cũng có màu sắc đẹp, sống động hơn răng đã “lấy tủy”, nhờ đó sứ khi gắn lên răng đạt được kết quả thẩm mỹ cao. Răng thật được bảo tồn tủy cũng rất ít đổi màu theo thời gian sử dụng.

Để bảo tồn tủy răng, khi bác sĩ mài và sửa soạn, cần tránh những yếu tố gây hại cho tủy răng.

Khi mài răng, tay khoan cần phải phun nước đủ mạnh, đủ nhiều và đủ hướng để làm mát răng, vì tủy răng rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Đây là nguyên nhân rất thường gặp.

Để làm mát răng hiệu quả, ngoài phun nước, cần làm giảm lực ma sát khi mài răng. Tác động của mũi khoan cần được kiểm soát hiệu quả để có thể tạo được hiệu quả mài răng tối đa với số vòng quay tối thiểu. Điều này chỉ có thể được thực hiện với những tay khoan cực tốt, sản xuất chính hãng.

Răng thật bị mài càng nhiều, càng bị hư hại nhiều hơn:

Để lắp được răng sứ, răng thật cần phải được bác sĩ mài sửa soạn ra hình dạng để có thể lắp được, thường gọi là cùi răng.

Một cách lý tưởng, răng thật cần được mài ở mức độ “đủ” và “hợp lý” để khi gắn răng bằng sứ được khít sát, mà không gây hại cho răng thật. Răng làm bằng sứ cũng cần có một độ dày nhất định, đủ để chịu được lực ăn nhai và có màu sắc phù hợp với kết quả thẩm mỹ mà bạn mong đợi.

Mài quá nhiều sẽ làm hư hại răng thật, nguy cơ ảnh hưởng tủy răng, ê buốt khi ăn nhai.

Mài quá ít sẽ làm không thể gắn khít sát được với răng thật, hoặc kỹ thuật viên phải làm sứ quá mỏng dẫn đến dễ bể vỡ, nhưng nếu làm quá dày sẽ làm cho răng bị to, thô, khó vệ sinh. Sứ làm răng quá mỏng cũng khó đạt được kết quả thẩm mỹ về màu sắc.

Trục răng khi ăn nhai phải cùng trục với hướng của chân răng thật:

Về mặt lý tưởng, lực nhai của răng sứ phải đồng trục với chân răng thật để có thể chịu lực và hấp thu lực được tốt.

Nếu trục bị lắp khác hướng với trục của chân răng, thì khi ăn nhai, chân răng sẽ bị hư hại nhanh chóng, sau một thời gian sẽ xuất hiện viêm nướu, tiêu xương, hoặc tét, gãy chân răng thật. Biểu hiện ban đầu là bạn sẽ thấy lực ăn nhai của răng bị giảm đáng kể sau khi lắp sứ.

Vì vậy,  không được làm để điều chỉnh trục răng như chỉnh răng bị chìa, bị hô, chỉnh răng chen chúc. Những trường hợp như vậy, bạn nên điều trị niềng răng – chỉnh nha.

Răng thật bị mòn và bị hư hại gián tiếp khi tiếp xúc với răng bọc bằng sứ quá cứng:

Nhiều người chỉ quá chú ý đến chiếc răng sẽ bọc sứ, mà không chú ý đến những chiếc răng thật tiếp xúc khi ăn nhai.

Nếu răng làm bằng sứ quá cứng, sẽ nhanh chóng làm mòn răng thật đối diện, làm hư hại răng thật đó.

Răng bọc sứ quá cứng cũng làm giảm cảm giác ăn nhai, hoặc gây cảm giác khó chịu khi ăn nhai mạnh.

Làm một chiếc răng sứ thật cứng để bảo hành vĩnh viễn là một việc không khó, nhưng sau đó nó có thể làm hư hại những chiếc răng thật tiếp xúc với nó một cách nhanh chóng.

Vì vậy, bạn nên chọn chiếc răng sứ có độ cứng phù hợp với cảm giác ăn nhai, tương xứng với những chiếc răng xung quanh trong miệng của bạn. Nếu một chiếc bị bể vỡ do vô ý cắn phải đồ cứng, bác sĩ có thể làm lại dễ dàng riêng chiếc răng bọc sứ đó. Ngược lại, nếu răng thật của bạn bị mòn, bể, vỡ thì bạn sẽ cần giải quyết cả 2 vấn đề: chiếc răng bọc bằng sứ đã làm răng thật bạn bị bể vỡ, và cả chiếc răng thật mà bạn đã bị chiếc răng làm bằng sứ làm bể vỡ.

Răng thật khó vệ sinh do răng bọc sứ làm sai quy cách:

Một cách lý tưởng, răng sứ khi bọc quanh răng thật cần có độ dày phù hợp và khít sát tốt với phần răng thật đã mài.

Răng bọc sứ quá dày dễ làm nhét thức ăn xuống dưới chân răng, bạn không vệ sinh được thì lâu ngày chân răng sẽ bị hư hại do mảng bám, vôi răng, vi khuẩn. Triệu chứng đầu tiên bạn cảm nhận được đó là mùi hôi. Nếu thức ăn nhét vào kẽ giữa răng thật và răng bằng sứ, bạn có nguy cơ bị hư cả 2 răng.

Răng thật chịu lực quá tải do răng sứ làm sai quy cách:

Khi chân răng thật bị quá tải do thiết kế không phù hợp, răng sẽ nhanh chóng bị yếu, lung lay rồi không giữ được.

Trường hợp này thường gặp nhất là khi làm cầu răng sứ: vì khi làm số răng thật thì “ít”, nhưng lại phải gánh vác “chức năng” cho nhiều răng, nên sẽ quá tải. Đặc biệt, khoảng trống mất răng càng dài, càng lớn, lực tác dụng lên phần nhịp cầu (phần răng bị mất) càng lớn, thì răng trụ (răng thật đã bị mài làm trụ cầu răng) lại càng nhanh chóng quá tải và bị lung lay.

Cầu răng sứ cũng có thể sẽ quá tải ở những trường hợp bệnh nhân có lực ăn nhai mạnh. Nếu bệnh nhân có khả năng ăn nhai mạnh hoặc nghiến răng, nên chọn giải pháp làm Implant để phục hình răng ở những vị trí chịu lực cao, như răng hàm lớn.