Nổi điên vì cái sự “khôn” của răng khôn

Hồi bé, chúng ta từng nghe đến răng khôn và cũng từng bị cha mẹ, ông bà “lừa” một cú khá to rằng hễ mọc răng khôn thì sẽ khôn lắm đấy.

Răng khôn mọc rất khôn

Nhưng đến lúc trải nghiệm nỗi đau thấu tim khi mọc răng khôn, trong ta chợt chói lên một “chân lí” rằng, mọc răng khôn không giúp con người ta “khôn” thêm tí nào, trái lại, còn dễ “khùng” hơn.

Theo như những gì chúng ta đã được học từ sách Sức khỏe hồi lớp 5, hàm răng của một người trưởng thành gồm 32 cái răng, vừa đủ để thực hiện các chức năng nhai nuốt.

Theo thời gian, con người càng trưởng thành thì xương hàm càng phát triển, to và dài ra. Theo tiến trình mọc răng và phát triển cấu tạo hàm ở con người, cứ xương dài ra tới đâu thì răng mọc thêm tới đó, răng sữa rụng tới đâu thì răng trưởng thành trồi lên đúng lúc cho đến khi đủ số răng.

Nhổ răng khôn

Hồi bé, mỗi người chỉ có 20 cái răng sữa, nhưng răng của người trưởng thành thì lên đến 32 cái, “vượt chỉ tiêu” 12 cái, vậy chỗ đâu mà chứa cho hết? Thế là, 12 chiếc răng còn lại phải “tranh thủ nhồi nhét” vào những chỗ trống khác bên cạnh những chiếc răng trưởng thành đã mọc lên lại đúng vị trí của răng sữa.

Tưởng là khôn nhưng “khôn” không tưởng, những chiếc răng khôn lại “chọn” vị trí mọc sâu bên trong hàm. Chỉ đến khi chúng ta phát triển đến một độ tuổi nào đó, xương hàm đủ dài để mọc thêm răng thì mới có xương để cho mầm răng khôn phát triển. Bởi vậy nên răng khôn chỉ có thể bắt đầu… “hành hạ” khi ta chạm ngõ 18 – lứa tuổi “lớn khôn”.

Về tên gọi răng khôn, do những chiếc răng “phá đám” này thường mọc ở độ tuổi trưởng thành, khi mà chúng ta đã khôn lớn, có đủ nhận thức nên có lẽ nó được gọi luôn bằng cái tên ấy để chỉ thời điểm mọc.

Nhưng mà, công bằng mà nói thì không gì “ngu” hơn răng khôn. Bởi mọc đâu không mọc, lại chui lủi vào bên trong sâu làm gì, lại còn nằm ở vị trí “cách li xã hội”, muốn phẫu thuật cũng khó. Chưa kể, mỗi lần mọc thì lại cho khổ chủ “ăn hành” thôi rồi. Nào là đau nhức, ê ẩm cả mặt, nào là sưng tấy hết cả lên, ai mà sức khỏe yếu một chút thì xác định sốt cao, húp cháo vài ngày. Chỉ đến khi các nha sĩ phẫu thuật loại bỏ chiếc răng “siêu thông minh” này thì khổ chủ mới chính thức “quay trở lại cuộc sống bình thường” cùng nỗi oán hận răng khôn trường tồn vĩnh viễn!

Có thể nói, mọc răng khôn là một dạng “đèn đỏ dài ngày”. Bởi cái cảm giác khó chịu, đau nhức và “tư tưởng muốn đánh bom cả thế giới” diễn ra trong những ngày răng khôn mọc không khác ngày “bà dì” đến thăm là bao! Nhưng bởi vì nó là một quá trình phát triển tự nhiên bắt buộc phải diễn ra, ai không có thì là… bất bình thường, nên con người chúng ta đành phải ngậm đắng nuốt cay mà… nguyền rủa nó thôi chứ chẳng còn biết làm gì hơn!

Theo thethaovanhoa.vn