Đau nhức răng: 5 nguyên nhân thường gặp và cách xử lý

Đau nhức răng là triệu chứng phổ biến với nhiều nguyên nhân. Hiểu rõ nguyên nhân cũng như cách chữa đau nhức răng cho từng trường hợp sẽ giúp bạn nhanh giảm bớt khó chịu.

Các cơn đau nhức răng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như sâu răng, mẻ răng hay nhạy cảm với nhiệt độ. Bạn cần theo dõi tình trạng cơn đau để xác định được nguyên nhân và cách chữa đau nhức răng thích hợp nhất với tình trạng của mình. Dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến gây đau nhức răng và cách xử lý.

1. Cách trị đau nhức chân răng do nhiệt độ

Tình trạng ê buốt răng hoặc đau nhức chân răng xuất hiện sau khi ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh rất thường gặp. Triệu chứng này có thể do rất nhiều nguyên nhân, nếu thời gian ê buốt càng lâu thì nguyên nhân càng nghiêm trọng.

Nhiệt độ nóng lạnh của đồ ăn, thức uống khiến bạn cảm thấy nhức chân răng là do mất đi lớp men răng được ví như một pháo đài để chống lại các kích thích từ môi trường bên ngoài. Khi các yếu tố kích thích tác động đến lớp ngà răng nơi có các đầu dẫn truyền thần kinh cảm giác chúng ta sẽ cảm thấy đau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất lớp men ngoài cùng như là:

  • Mòn men răng: do đánh răng sai cách, do thực phẩm có tính axit bào mòn men răng, các bệnh lý ảnh hưởng đến môi trường nước bọt trong miệng…
  • Mẻ răng: do tai nạn, do chấn thương khớp cắn do răng mọc không đúng vị trí, do ăn nhai đồ cứng.
  • Bệnh lý nha chu làm tụt nướu răng làm lộ lớp cement ở dưới chân răng, lớp cement này không có men răng bảo vệ. Nếu tình trạng này ê buốt kéo dài bạn nên đến nha sĩ kiểm tra tìm nguyên nhân và có hướng xử lý.

Để giảm đau răng do nhiệt độ, bạn có thể chuyển sang dùng kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm và tránh các thực phẩm và đồ uống quá nóng, quá lạnh hoặc có tính axit cao. Ngoài ra, bạn cũng nên dùng bàn chải mềm để chải răng theo chuyển động tròn và thay bàn chải mỗi 3 – 6 tháng để đảm bảo vệ sinh và tránh kích ứng.

2. Cách trị đau nhức răng kéo dài

Nếu bạn có một cơn đau răng hàm, âm ỉ nhưng kéo dài thì có thể là do một trong ba nguyên nhân sau:

  • Dị vật mắc vào kẽ răng: Xuất hiện cơn đau nhức răng kèm theo sưng nướu. Bạn chỉ cần dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng và theo dõi xem cơn đau có bớt không.
  • Thói quen nghiến răng: Nếu cơn đau lan đến xương quai hàm, lý do có thể là vì bạn nghiến răng vào ban đêm. Đây là tình trạng hai hàm răng bị ghì và siết tạo áp lực lên răng và có thể phát ra âm thanh ken két. Bạn có thể chữa chứng nghiến răng bằng cách áp dụng một số liệu pháp tâm lý để giúp bản thân thư giãn hoặc đến nha sĩ để làm máng bảo vệ răng.
  • Áp xe răng: Cơn đau nhức răng âm ỉ kéo dài có thể do áp xe răng. Trong trường hợp này, bạn có thể trị đau nhức răng bằng cách súc miệng bằng nước ấm và dùng các loại thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) và kháng viêm ibuprofen (Advil, Motrin IB). Tuy nhiên,áp xe là tình trạng nhiễm trùng của một tổn thương tủy hoặc nha chu lâu dài cần được thăm khám để điều trị triệt để chứ không nên tự điều trị tại nhà vì các biến chứng về sau ảnh hưởng rất nhiều cho các răng xung quanh và cả xương hàm.

Bạn hãy theo dõi xem cơn đau có tăng hoặc giảm vào một thời điểm nhất định không, đau ở một răng hay cả hàm hay có một hành động nào đó khiến cơn đau xuất hiện… Những thông tin này sẽ giúp nha sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây đau răng chính xác hơn.

3. Đau nhói răng bất ngờ: Nguyên nhân do đâu?

Những cơn đau nhói ở răng thường do những các tổn thương vật lý ở răng như mẻ mặt nhai của răng, nứt răng . Nếu cơn đau ở một răng đã được trám hay bọc, phần trám hay bọc có thể đã rơi ra. Vì thế,bạn nên sớm đi khám để đẩy lùi cơn đau nhức răng và phòng trường hợp các vấn đề về răng trở nên nghiêm trọng hơn.

4. Cách trị nhức răng từng đợt như thế nào?

Cơn đau nhói từng đợt ở răng có thể đi kèm với sưng nướu ở răng bị đau. Triệu chứng này cho thấy bạn đang có một viêm nhiễm cấp tính ở tủy hoặc nướu răng. Đối với viêm tủy có thể uống thuốc và triệu chứng lui dần, thỉnh thoảng cơn đau lại xuất hiện và im lặng chuyển sang viêm nhiễm mãn tính, lâu ngày hình thành áp xe.

Tuy nhiên đối với nha chu viêm thì uống thuốc không giúp giải quyết được cơn đau, đau chỉ giảm khi uống thuốc và thường đau trở lại khi hết thuốc. Nếu bạn không điều trị nhanh chóng, tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng nghiêm trọng và đau đớn hơn.

5. Đau nhức ở răng khôn phải làm sao?

Nếu bạn bị nhức răng hàm kèm theo há miệng khó khăn thì đây có thể là do mọc răng khôn gây đau nhức. Trong quá trình mọc, răng khôn đâm xuyên qua nướu nên khiến bạn cảm thấy đau đớn, ê buốt khi đánh răng hay viêm nướu ở vị trí răng khôn mọc.

Bạn có thể giảm đau nhức do mọc răng khôn bằng cách dùng gel giảm đau, súc nước muối, chườm đá bên ngoài má vị trí mọc răng. Nếu cơn đau không dứt hoặc nướu có dấu hiệu bị sưng và nhiễm trùng, bạn hãy đến nha sĩ để được thăm khám. Nha sĩ có thể chỉ định nhổ răng khôn nếu thuộc các trường hợp:

  • Bị sâu ở phần răng khôn đã mọc.
  • Răng khôn tạo u nang
  • Răng khôn gây hại cho các răng lân cận.
  • Răng khôn gây nhiễm trùng hay các bệnh về nướu (bệnh nha chu).

Quá trình nhổ răng khôn sẽ gồm các bước:

  • Nha sĩ sẽ gây tê tại chỗ để làm mất cảm giác ở răng và miệng (phổ biến nhất), gây mê an thần để giảm ý thức của bạn hoặc gây mê toàn thân để làm mất hoàn toàn ý thức (rất hiếm) chỉ áp dụng với trường hợp bệnh nhân không thể hợp tác vì lý do khách quan.
  • Nha sĩ cắt mở nướu răng và cắt mảnh xương phía trên và xung quanh răng khôn, cắt răng thành các phần nhỏ, lấy ra từng phần để tránh gây tổn thương lớn,sau đó may lại vết thương, đặt thuốc cầm máu và cho bệnh nhân cắn gạc, dặn dò sau nhổ và ra về.

Các cơn đau nhức răng rất đa dạng và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì có cũng là một chỉ dấu cho biết đang có vấn đề gì đó bất ổn cho các “ em răng, nướu”. Các bạn nên đi khám để có được lời khuyên tốt nhất từ các chuyên gia.