Tổng quan về sức khỏe răng miệng
Sức khỏe răng miệng bao gồm tình trạng sức khỏe của răng, nướu, mô bảo trợ. Không chỉ vậy, nó bao gồm vòm cứng, hàm ếch mềm của miệng, niêm mạc miệng, môi, lưỡi, cổ họng, tuyến nước bọt, quai hàm, cơ nhai.
Một số bệnh lý răng miệng phổ biến như sâu răng, bệnh nha chu, ung thư miệng,… gây ra bởi nhiều yếu tố. Chủ yếu do chế độ ăn uống không lành mạnh, chứa nhiều thành phần không tốt cho răng, thói quen không tốt làm ảnh hưởng răng miệng, không vệ sinh răng sạch sẽ,… Nếu phát hiện các dấu hiệu sớm, Cô Chú, Anh Chị có thể phòng ngừa và điều trị tốt từ đầu, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Vì sao giữa cơ thể và răng miệng có liên hệ với nhau?
Giữa cơ thể và răng miệng có liên hệ với nhau. Miệng là “cửa vào” đường tiêu hóa và hô hấp. Khoang miệng bình thường chứa nhiều loại vi khuẩn, bao gồm gây hại và không gây hại. Khi không được chăm sóc răng miệng tốt, vi khuẩn tích tụ trên răng lâu ngày khiến hiện tượng viêm nhiễm xảy ra, nướu răng viêm, sưng đau. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng nghiêm trọng hơn dẫn đến viêm nha chu, vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể dễ dàng.
Có mối liên quan giữa bệnh nhân đái tháo đường, tim mạch và nhiều bệnh khác với sức khỏe răng miệng. Ngược lại, khi sức đề kháng do mắc các bệnh trên trở nên kém đi sẽ tạo điều kiện cho bệnh răng miệng phát triển.
Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tổng thể
Mọi cơ quan chức năng trong cơ thể đều có ảnh hưởng và liên hệ lẫn nhau. Sức khỏe răng miệng và sức khỏe cơ thể có mối quan hệ hai chiều. Khi một cơ quan có vấn đề, các triệu chứng có thể biểu hiện qua các dấu hiệu ở răng miệng. Ngược lại, tình trạng sức khỏe răng miệng yếu có thể gây ra các bệnh lý răng miệng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến cơ thể chẳng hạn như .
- Sức khỏe răng miệng và bệnh tiểu đường
- Sức khỏe răng miệng và bệnh tim mạch
- Sức khỏe răng miệng và việc mang thai, sinh nở
- Sức khỏe răng miệng và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
- Sức khỏe răng miệng và loãng xương, mất răng
- Sức khỏe răng miệng và các vấn đề cơ thể khác
Sức khỏe răng miệng và bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường và viêm nha chu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi nướu bị viêm sẽ làm suy yếu khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể. Ngược lại, lượng đường trong máu cao, bệnh nhân bị suy giảm sức đề kháng với các bệnh truyền nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, làm nhiễm trùng nướu nặng hơn. Tình trặng viêm răng sẽ được cải thiện khi điều chỉnh lượng đường trong máu về ổn định.
Sức khỏe răng miệng và bệnh tim mạch
Giữa sức khỏe răng miệng và bệnh tim mạch có mối liên kết với nhau. Theo Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Về Răng và Sọ Mặt, thì người mắc bệnh nha chu thường dễ bị bệnh tim mạch hơn. Chứng viêm nội tâm mạc – một dạng nhiễm trùng màng trong của buồng hoặc van tim – có thể xảy ra khi ổ nhiễm khuẩn vùng răng miệng qua đường máu tới các vùng gây tác mạch, tới màng tim gây viêm. Tình trạng đông máu, tắc động mạch có thể dẫn đến đột quỵ.
Việc kiểm tra sức khỏe răng miệng cũng có thể dự báo về bệnh tim mạch. Thiếu xương trong thành phần của hàm chứa hốc răng – phương pháp đo lường trong bệnh nha chu – là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mãn tính.
Sức khỏe răng miệng và việc mang thai, sinh nở
Phụ nữ mang thai bị viêm nướu có tỷ lệ sinh non cao và trẻ sinh thiếu ký. Trẻ sinh non dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe như tim, phổi, khiếm khuyết về nhận thức,… Tình trạng nhiễm trùng và viêm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Quá trình mang thai làm thay đổi nội tiết tố cũng làm nướu răng dễ bị viêm. Do đó, để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, phụ nữ nên khám răng định kỳ trước và trong khi mang thai để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Sức khỏe răng miệng và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Những người mắc bệnh nha chu có các tác nhân truyền nhiễm gây bệnh hô hấp cao. Bệnh viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính hay viêm phế quản mãn tính có thể bị ảnh hưởng từ bệnh nha chu. Vi khuẩn trong miệng có thể bị kéo vào phổi làm răng lượng vi khuẩn trong phổi. Tình trạng này xảy ra nhiều ở người lớn tuổi, khả năng miễn dịch giảm sút.
Sức khỏe răng miệng và loãng xương, mất răng
Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến tất cả các xương trong cơ thể, bao gồm xương hàm. Hậu quả có thể gây nên tình trạng mất răng. Thuốc trị loãng xương có thể làm răng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa xương, gây chết xương hàm. Mặt khác, vi khuẩn do viêm nướu, viêm nha chu phá vỡ xương hàm. Các dấu hiệu loãng xương, mất xương có thể được phát hiện thông qua khám răng và chụp X – quang nha khoa.
Sức khỏe răng miệng và các vấn đề cơ thể khác
Ảnh hưởng của sức khỏe răng miệng với tình trạng cơ thể, tinh thần là rất lớn. Một số mối liên hệ giữa miệng và cơ thể khác đang được tìm hiểu như:
- Nướu nhạt màu và bệnh thiếu máu: Mô mềm trong khoang miệng có thể bị đau, nhạt màu, lưỡi sưng và viêm nếu bị thiếu máu. Khi này, cơ thể không đủ tế bào hồng cầu, hoặc tế bào hồng cầu không đủ huyết sắc tố làm cơ thể thiếu oxy.
- Mòn men răng và rối loạn ăn uống: Người bị rối loạn ăn uống như chứng cuồng ăn có thể mắc các vấn đề răng miệng. Axit dạ dày do nôn nhiều lần làm mòn men răng. Bệnh chán ăn làm thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
- Bệnh tưa miệng và HIV: Người bị nhiễm HIV có thể bị bệnh tưa miệng, lở loét, mụn rộp. Hệ miễn dịch suy yếu và không còn khả năng ngăn chặn nhiễm trùng. Tình trạng khô miệng ở người nhiễm bệnh làm trăng nguy cơ sâu răng, ảnh hưởng việc ăn nhai và gây mất răng.
- Nghiến răng và căng thẳng: Người hay lo âu, căng thẳng, stress, trầm cảm có nguy cơ mắc các bệnh răng miệng cao. Hormone cortisol tiết ra khi căng thẳng với hàm lượng cao gây hại nướu răng và cơ thể. Chứng nghiến răng hình thành làm mòn răng, lực tác động lớn có thể gây nứt, mẻ răng, răng lung lay.
Bài viết liên quan: