Tình trạng răng sứ bị hở sau khi bọc là điều không ai mong muốn nhưng có tỷ lệ xảy ra khá nhiều. Làm răng sứ bị hở chân răng gây đau nhức, hôi miệng, ảnh hưởng tiêu cực tới hệ tiêu hóa và làm tăng nguy cơ mất răng thật. Do đó, người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu răng sứ bị hở để nhanh chóng có hướng khắc phục triệt để.
1. Một số dấu hiệu răng sứ bị hở
Bọc răng sứ là phương pháp được nhiều người lựa chọn để phục hình răng hư tổn. Đây là 1 kỹ thuật nha khoa được ứng dụng nhằm khắc phục một số nhược điểm của răng như răng nứt, vỡ, xỉn màu, mẻ răng, xuống màu,… Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ nha khoa sẽ dùng mão răng sứ để chụp lên cùi răng thật, giúp phục hình lại hình dáng, thẩm mỹ và cả chức năng ăn nhai của răng.
Thông thường, tình trạng bọc răng sứ bị hở cổ chân răng sẽ có một số biểu hiện sau:
- Xuất hiện khe hở ở vùng tiếp giáp giữa răng sứ với nướu: Chỉ cần nhìn bằng mắt thường qua gương hoặc dùng lưỡi chạm vào chân răng là bạn đã nhận thấy vùng tiếp giáp giữa răng sứ với nướu có 1 khe hở. Kẽ hở này tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong răng, gây đau nhức, viêm nhiễm, thậm chí là mục cùi răng, phá hủy chân răng thật. Tình trạng này khiến răng thật trở nên yếu đi, mất khả năng nâng đỡ mão răng, dẫn tới gãy rụng;
- Nướu bị tụt làm lộ ra cùi răng sứ bên trong: Kỹ thuật bọc răng sứ không đảm bảo sẽ tạo khe hở, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào răng. Từ đó, người bệnh dễ bị kích ứng nướu, dẫn tới tụt nướu. Biểu hiện của tình trạng tụt nướu dễ nhận thấy vì phần chân răng bị lộ ra. Dấu hiệu làm răng sứ bị hở chân răng rõ nhất ở vị trí răng cửa và răng nanh;
- Xuất hiện những vệt đen mờ quanh chân răng: Dấu hiệu này thường gặp ở những người lắp mão sứ kim loại. Khi bọc răng sứ kim loại bị hở sẽ tạo khoảng trống với nướu, kích thích quá trình oxy hóa, làm đen chân răng. Biểu hiện này dễ nhận thấy, bạn chỉ cần quan sát vị trí bọc răng sứ xem quanh chân răng có những vệt đen mờ hay không là được;
- Cảm giác cộm, ê buốt, đau nhức khi ăn nhai: Một dấu hiệu răng sứ bị hở mà không cần nhìn bằng mắt thường chính là cảm nhận qua hoạt động ăn nhai. Vì phần cùi răng hở rất yếu và nhạy cảm nên dễ bị đau nhức, ê buốt khi ăn nhai. Bên cạnh đó, việc lắp mão sứ không chính xác tỷ lệ cũng dễ khiến răng sứ bị kênh, không khớp với hàm và gây cảm giác cộm khi ăn;
- Thức ăn dễ giắt vào kẽ răng gây hôi miệng, khó chịu: Bọc răng sứ sai tỷ lệ sẽ khiến các kẽ răng rộng hoặc chật hơn so với khoảng sinh lý thông thường. Khi ăn uống, các mảnh vụn thức ăn, bã rau, thớ thịt,… có thể giắt vào kẽ răng, gây khó chịu, vướng víu. Tình trạng này hay gặp nhất ở răng nanh và răng hàm, đôi khi có thể gặp ở răng cửa. Nếu không vệ sinh kỹ thì kẽ răng chính là nơi trú ẩn hoàn hảo của vi khuẩn gây các bệnh lý răng miệng như hôi miệng, viêm sưng nướu hoặc sâu răng,…
2. Nguyên nhân làm răng sứ bị hở chân răng
Tình trạng bọc răng sứ bị hở thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật: Quá trình bọc răng sứ yêu cầu phải có thao tác mài răng tỉ mỉ, đúng tỷ lệ. Tuy nhiên, có nhiều bác sĩ tay nghề kém đã phán đoán sai tỷ lệ, mài cùi răng quá nhiều, làm tổn thương chân răng. Khi chân răng bị suy yếu thì dễ xảy ra tình trạng tụt nướu và cuối cùng dẫn tới các dấu hiệu răng sứ bị hở;
- Răng sứ chất lượng kém: Việc sử dụng răng sứ kém chất lượng có thể gây kích ứng với cùi răng và nướu, khiến chúng dễ bị sưng tấy và viêm nhiễm. Lâu dần, tình trạng sưng viêm ngày càng nghiêm trọng khiến răng sứ bị đẩy lên cao, làm xuất hiện các khe hở. Đồng thời, những người lựa chọn mão sứ kim loại cũng dễ bị hở răng sứ. Nguyên nhân vì khung kim loại sau một thời gian sử dụng dễ bị oxy hóa (đặc biệt là răng sứ kim loại thường), khiến răng sứ bị mài mòn, tuột khỏi trụ răng;
- Răng sứ chế tác sai kích thước: Nếu bác sĩ có kỹ thuật lấy dấu hàm không chuẩn xác, dùng dụng cụ lấy dấu hàm lạc hậu thì có thể dẫn đến tình trạng chế tác mão sứ sai lệch về kích thước. Nếu mão sứ to hơn cùi răng thì sẽ khiến chúng không khít với nhau, tạo khe hở;
- Keo dán sứ kém chất lượng: Keo dán sứ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ chắc chắn của răng sứ. Nếu sử dụng keo kém chất lượng hoặc chỉ dùng quá ít keo thì sau một thời gian ăn nhai răng sứ sẽ bị hở, thậm chí bị rơi ra ngoài;
- Vệ sinh răng miệng sai cách: Nếu bạn vệ sinh răng miệng không đúng cách thì có thể gây hở răng sứ. Ví dụ như khi chải răng dùng lực quá mạnh, sử dụng bàn chải lông cứng, đánh răng không đúng kỹ thuật,… thì sau một thời gian răng sứ sẽ bị mài mòn, hở nướu.
3. Hệ lụy khi răng sứ bị hở
Ngoài dấu hiệu răng sứ bị hở, tác hại của tình trạng này cũng khiến nhiều người bệnh hoang mang. Cụ thể, bọc răng sứ bị hở không chỉ làm giảm tính thẩm mỹ của răng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nếu không được xử trí kịp thời. Cụ thể:
- Làm mất thẩm mỹ: Khi răng sứ bị hở thì chân răng bị lộ ra ngoài sẽ làm nụ cười trở nên thiếu tự nhiên, mất thẩm mỹ;
- Tăng nguy cơ mất răng thật: Kỹ thuật bọc răng sứ cần mài cùi răng thật để làm trụ. Do đó, phần mô răng thật sau khi mài sẽ bị yếu, dễ chịu các tác động tiêu cực. Nếu lắp mão sứ không khớp với nướu thì sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, gây nhiều bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng,… Kết quả là làm răng thật bị tổn thương, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ mất răng;
- Gây đau nhức, hôi miệng: Bọc răng sứ bị hở khiến thức ăn thừa tích tụ lại ở các khe kẽ răng, gây tình trạng hôi miệng kéo dài và làm giảm sự tự tin của người bệnh. Không chỉ vậy, lượng lớn thức ăn bám vào và lấp đầy cùi răng có thể khiến cùi răng bị tổn thương và dẫn đến đau nhức dai dẳng;
- Ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa: Khi cùi răng bị tổn thương, đau nhức và ê buốt do răng sứ bị hở, người bệnh có xu hướng lười nhai thức ăn. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của hệ tiêu hóa, dễ dẫn đến bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản, táo bón, đau dạ dày, viêm loét đại tràng,…
4. Cách khắc phục tình trạng bọc răng sứ bị hở
Khi có các dấu hiệu răng sứ bị hở, bạn nên đi khám bác sĩ nha khoa ngay để được thăm khám, chẩn đoán kỹ càng và có hướng điều trị thích hợp. Cách duy nhất để khắc phục triệt để tình trạng này là tháo răng sứ ra rồi lắp lại. Có 2 trường hợp khắc phục tùy nguyên nhân và mức độ răng sứ bị hở. Đó là:
- Răng sứ bị kênh, hở do lắp sai kỹ thuật: Chỉ cần tháo răng sứ ra, lắp lại mà không cần chế tạo lại răng mới. Nếu cầu răng sứ chưa bị hư hại, vừa vặn với cùi răng thì chỉ cần lắp lại cầu răng sứ với một lượng keo dán vừa đủ để cố định răng sứ bền lâu là được;
- Răng sứ bị hở do mão sứ chế tạo sai kích thước, răng sứ kém chất lượng hoặc bị hỏng: Bắt buộc phải lấy lại dấu răng và chế tạo răng sứ mới. Bác sĩ nha khoa sẽ lấy mẫu hàm để chế tác cầu răng sứ như đã làm ở lần đầu tiên.
Sau khi làm cầu răng sứ, nếu bạn nhận thấy có những dấu hiệu răng sứ bị hở thì nên quan sát, kiểm tra kỹ. Khi đó, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa để được thăm khám, khắc phục kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe răng miệng.
Bài viết liên quan: