Sốt xuất huyết, sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ… sẽ xuất hiện sau mưa lũ, cách phòng tốt nhất là vệ sinh cá nhân.
Sau mưa lũ, vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Ngày 20/10, Bộ Y tế khuyến cáo 7 biện pháp phòng dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt.
– Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
– Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ôtô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
– Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
– Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
– Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Bộ Y tế đã gửi 4,2 triệu viên sát khuẩn đến vùng lũ. Số viên sát khuẩn này cấp cho Sở Y tế Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng để khử trùng nguồn nước. Các Sở Y tế phân phối hóa chất khử khuẩn này trên địa bàn và sử dụng đúng mục đích là khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh.
Bài viết liên quan: