Với tình hình dịch COVID-19 hiện tại mà nhiều người trong chúng ta trên toàn thế giới đang gặp phải, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt được cho là chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Mang khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng gel sát khuẩn tay nhanh khi không thể rửa tay là các biện pháp được khuyến cáo mọi người cần tuân thủ thực hiện.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo được sự lành mạnh của răng, nướu và các mô xung quanh và môi trường miệng chính là phần quan trọng duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể, nâng cao sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh như virus corona hiện nay. Bên cạnh đó, răng miệng khỏe mạnh còn đem lại tinh thần tích cực và thoải mái trong giai đoạn cả nước cùng chung tay chống lại dịch COVID-19.
Tại sao vệ sinh răng miệng lại quan trọng trong việc phòng chống dịch Covid-19?
Sức khỏe răng miệng có mối liên quan chặt chẽ với sức khỏe toàn thân. Nhờ thực hiện tốt chức năng dinh dưỡng, cơ thể sẽ có đủ khả năng để duy trì sự lành mạnh, đề kháng với bệnh tật.
Khi các bệnh răng miệng xuất hiện, sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, dinh dưỡng, giao tiếp và thẩm mỹ. Ngoài ra, sự suy yếu của sức khỏe răng miệng (đau nhức do sâu răng…) còn ảnh hưởng đến năng suất lao động, tinh thần dễ trở nên khó chịu.
Vệ sinh răng miệng kém làm xuất hiện tình trạng viêm, các nhiễm trùng trong miệng có thể theo đường máu đi khắp cơ thể, đặc biệt sẽ làm trầm trọng tình trạng sức khỏe ở những người đã có bệnh nền (tiểu đường, huyết áp, viêm nhiễm đường hô hấp, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…).
Chăm sóc răng miệng đúng cách trong mùa dịch Covid-19
Thực sự là không có một phương thức chăm sóc răng miệng đặc biệt nào trong thời điểm này nhằm giúp chúng ta phòng chống lại dịch bệnh. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta tiếp tục thực hiện những biện pháp vệ sinh răng miệng hàng ngày một cách khoa học và đầy đủ.
Một là, chế độ dinh dưỡng khoa học
Điều quan trọng nhất là giảm thiểu lượng đường và carbohydrate giữa các bữa ăn. Nên ăn thành các bữa chính trong ngày, hạn chế ăn vặt; ăn nhiều trái cây và rau xanh; hạn chế ăn đồ nhiều đường ngọt. Các thực phẩm như cà rốt, cần tây kích thích sản xuất nước bọt và vô hiệu hóa các axit gây hại cho răng. Không ăn thức ăn quá nóng gây phỏng miệng hoặc quá lạnh gây viêm họng.
Chúng tôi cũng khuyến khích bạn uống nhiều nước hơn (nước lọc, nước suối), giảm các loại đồ uống chứa đường. Nếu bạn dùng cà phê hoặc lon nước ngọt, chúng tôi khuyến cáo bạn nên uống qua ống hút hoặc uống hết trong 1 lần hơn là nhâm nhi trong một thời gian dài.
Hai là, súc miệng, súc họng
Virus corona xâm nhập đầu tiên ở niêm mạc mũi và miệng, sinh sôi ở đường hô hấp trên (hầu, họng), sau một thời gian ủ bệnh mới di chuyển xuống đường hô hấp dưới (phổi, phế quản). Chăm sóc răng miệng mùa dịch bằng cách súc miệng, súc họng không chỉ tiêu diệt virus, ngăn chúng xâm nhập vào vùng hầu họng mà còn tiêu diệt khi chúng nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài, phòng lây nhiễm cũng như chống virus phát tán mạnh hơn.
Súc miệng, súc họng bằng nước sạch hoặc các dung dịch kháng khuẩn (nước muối sinh lý, dung dịch chứa tinh dầu,…) mỗi lần 5-10ml trong vòng 30 giây nên được thực hiện ngày 2-4 lần, đặc biệt là sau các bữa ăn vặt. Dung dịch súc miệng sát khuẩn (có chứa chlorhexidine, triclosan,…) chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ vì có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi, tăng nguy cơ viêm nhiễm khoang miệng.
Ba là, duy trì vệ sinh răng miệng
Chải răng ít nhất 2 lần/ngày, tốt nhất trước khi đi ngủ và sau các bữa ăn bằng các loại kem đánh răng có chứa fluor, mỗi lần 2-3 phút, theo chiều dọc các răng và xoay tròn trên bề mặt răng, không chải ngang.
Không dùng chung bàn chải đánh răng với người khác, giữ cho bàn chải được sạch và thay bàn chải định kỳ ít nhất 3 tháng một lần hoặc khi lông bàn chải bị mòn, cứng.
Kết hợp chải răng với dùng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để bảo đảm làm sạch các kẽ răng và các vị trí bàn chải không tiếp xúc được.
Bốn là, khám răng miệng định kỳ
Duy trì việc thăm khám thường xuyên với bác sĩ răng miệng của bạn là một việc rất quan trọng. Trong khoảng thời gian này, tốt nhất bạn nên đặt lịch hẹn bằng cách gọi điện trước để bác sĩ tiện sắp xếp thời gian khám, tránh tình trạng tập trung quá đông người trong cùng một thời điểm, không đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.
Bài viết liên quan: