Răng không chỉ thực hiện chức năng ăn nhai, răng còn là yếu tố nâng cao tính thẩm mỹ cho gương mặt. Tuy nhiên, trong cuộc sống bạn có thể không may gặp phải trường hợp nứt răng do chấn thương, do cắn đồ cứng. Vậy khi răng bị nứt phải điều trị như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
Phương pháp điều trị tình trạng nứt răng?
Răng gồm 3 phần: tủy răng trong cùng, ngà răng ở giữa và bên ngoài được bảo vệ bởi men răng. Men răng là thành phần cứng nhất trong cơ thể với 96% là muối và vô cơ. Răng tuy cứng song vẫn bị sứt mẻ gãy vỡ do ảnh hưởng bởi các yếu tố trực tiếp và gián tiếp như là cắn cứng, nghiến răng hay va đập.
Hội chứng nứt răng là một thuật ngữ mà nha sĩ dùng để mô tả về cảm giác khó chịu, nhạy cảm hoặc đau, để nói về hậu quả của nứt hay gãy vỡ răng. Nứt hay gãy vỡ răng thường khó phát hiện và có thể không thấy được bằng mắt thường, thậm chí cả trên phim X – quang. Nha sĩ thường chẩn đoán vấn đề dựa trên cơ sở những triệu chứng mà bạn ghi nhận cùng với những phản ứng rõ ràng từ thử nghiệm cắn.
Nguyên nhân gây hội chứng nứt răng
Các nguyên nhân thường gây nên hội chứng nứt răng gồm:
– Nghiến răng
– Răng bị hỏng nhiều và đã hàn nhưng miếng hàn quá lớn làm yếu chiếc răng nguyên vẹn.
– Thói quen nhai hoặc cắn các thức ăn cứng như đá, các loại hạt hay kẹo cứng.
– Tai nạn, chấn thương thể thao, bị ngã…
– Thay đổi đột ngột nhiệt độ trong miệng, ví dụ như ăn một thứ gì đó rất nóng sau đó lại uống ngay nước đá.
– Tuổi tác và sự lão hóa của mô răng, hầu hết nứt răng xảy ra ở những người trên 50 tuổi.
Phân loại các dạng nứt răng
+ Đường line nhỏ: Đây là những đường nứt siêu nhỏ của men răng. Bạn có thể tự mình soi gương và thấy nhiều vết nứt nhỏ chạy dọc theo trục răng, chiếc răng không đau nhức và vẫn chắc khỏe. Thường loại này sẽ không phải điều trị gì hoặc bạn chỉ cần tăng cường tái khoáng hóa men răng bằng các sản phẩm kem đánh răng chứa flour.
+ Vỡ múi: Loại nứt răng này thường xảy ra xung quanh mối hàn. Nó không gây ảnh hưởng đến tủy răng (là thành phần trung tâm răng chứa nhiều mạch máu thần kinh) nên không gây đau nhiều.
Bạn cũng có thể soi gương nhìn thấy vùng răng hàm nhỏ và hàm lớn các múi răng mất đi độ nhọn, đồng thời quan sát thấy các dấu tích của gãy vỡ, mất múi, mẻ răng. Với tình trạng nứt răng này bạn cần thực hiện phục hồi lại bằng cách chụp sứ, inlay – onlay sứ.
+ Nứt răng xuống dưới lợi: Răng có nứt dọc nhưng chưa vượt qua đường viền lợi có thể được phục hồi nguyên vẹn lại bằng cách bọc chụp. Tuy nhiên nếu nó lan sâu xuống dưới lợi thì có thể phải nhổ bỏ. Điều trị khẩn cấp là cần thiết trong trường hợp này.
+ Răng nứt đôi: Đây là chiếc răng có đường nứt đi xuống đường lợi. Nó có thể chia tách răng thành 2 nửa với vết nứt rộng. Tình trạng này không chắc có thể cứu được toàn bộ chiếc răng, nhưng nha sĩ có thể phục hồi lại một phần của nó.
+ Răng nứt dọc chân răng: Đây là loại đường nứt bắt đầu từ dưới đường viền lợi đi lên. Thường là không có biểu hiện triệu chứng trừ khi nó đã bị nhiễm trùng và có thể sẽ phải nhổ bỏ chiếc răng này.
Răng có thể nứt như thế nào?
Khi bạn có tuổi, răng có thể mất độ cứng chắc ban đầu. Một khi răng bị yếu đi sẽ dễ bị tổn thương hơn dẫn đến nứt và gãy vỡ. Ví dụ nghiến chặt răng và phát ra tiếng ken két có thể làm yếu răng, lực tạo ra do nghiến răng mạnh gấp 10 lần lực ăn nhai sinh lý, vì vậy khi phát hiện bạn hay người thân có tật nghiến răng thì cần làm máng nhai để bảo vệ. Các răng có miếng trám lớn và đã được điều trị tuỷ cũng giảm độ cứng chắc và dễ gãy vỡ.
Mỗi ngày, răng của bạn phải chịu một áp lực lớn từ việc cắn và nhai, vì thế nếu bạn căn một vật cứng như viên đá lạnh, kẹo cứng, lực này đôi khi có thể gây nứt đặc biệt là khi răng đã yếu. Răng cũng có thể nứt hoặc gãy vỡ do tại nạn.
Dấu hiệu nhận hội chứng nứt răng
Không phải răng nứt nào cũng có triệu chứng. Nhưng khi bạn có triệu chứng thường bao gồm:
– Chỉ có thể nhai một bên, do khó chịu khi nhai bên còn lại.
– Răng nhạy cảm với nhiệt độ nóng, lạnh hoặc thức ăn ngọt hay chua.
– Đau nhói khi cắn hoặc nhai. Đau theo cơn nhiều thay vì đau liên tục. Có khi đau trầm trọng bốc lên tận đầu không chịu nổi.
Lưu ý: Một số triệu chứng cần phân biệt với nứt răng đó là các vết đậm màu trên men răng, răng bị nhiễm màu ngoại sinh hay nội sinh như Flour, nhiễm màu kháng sinh, hay các răng bị mòn cổ.
Chẩn đoán và điều trị hội chứng nứt răng
Để chẩn đoán hội chứng nứt răng, nha sĩ sẽ khám tập trung kỹ vào vùng đau. Chụp phim X quang vùng đau, có thể có hoặc không thấy được nơi gãy vỡ và sẽ phân tích khớp cắn để tách biệt vấn đề. Khi phát hiện phần gãy vỡ, nha sĩ sẽ đưa ra các lời khuyên cho bạn, phụ thuộc vào vị trí và hướng gãy cũng như mức độ của tổn thương. Các hướng xử trí như sau:
+ Bonding: Với kỹ thuật này nha sĩ sẽ sử dụng một lớp keo dán bằng nhựa để lấp đầy đường nứt, phục hồi lại hình dáng và chức năng của chiếc răng.
+ Bọc răng sứ: Răng là một bộ phận không hoàn nguyên khi tổn thương nên khi bị nứt răng cần thực hiện phục hồi bằng răng sứ để trả lại hình thể răng ban đầu.
+ Điều trị tủy răng: Nếu đường nứt ảnh hưởng đến tủy răng bên dưới thì bạn cần điều trị tủy sau đó làm chụp bọc bên ngoài. Quy tình này có thể ngăn ngừa răng bị nhiễm trùng hoặc suy yếu thêm.
+ Nhổ răng: Khi mà vị trí đường nứt nằm quá sâu dưới chân răng làm cho cấu trúc răng và các sợi thần kinh tủy bị tổn thương quá nhiều thì nhổ bỏ có lẽ là lựa chọn duy nhất.
+ Không điều trị gì cả: Khi răng bị rạn nứt nhỏ ở phần men răng, nếu nó không ảnh hưởng gì đến hình thể và không gây đau cho bệnh nhân thì nha sĩ có thể đưa ra lời khuyên là không cần can thiệp gì cả.
Hầu hết các trường hợp nứt răng bác sĩ đều cố gắng điều trị theo hướng bảo tồn để giữ được răng. Chìa khoá thành công là sớm tìm ra đường nứt vỡ và điều trị hợp lý. Nếu bạn nghĩ mình có răng nứt, hãy gặp nha sĩ càng sớm càng tốt để đánh giá đúng tình trạng.
Vệ sinh răng miệng tốt, tránh ăn đồ ăn cứng, và đeo máng chống nghiến khi bạn nghiến răng hoặc dụng cụ bảo vệ răng( mouth guard) khi chơi thể thao sẽ giúp bảo vệ nụ cười của bạn.
Bài viết liên quan: