NÂNG XOANG TRONG CẤY GHÉP IMPLANT

Xoang hàm trên là xoang lớn nhất trong các xoang cạnh mũi, thành dưới xoang hàm có liên quan đến các cấu trúc chân răng 4 đến răng 8 mỗi hàm,khi mất răng, xoang hàm trên có khuynh hướng mở rộng xuống dưới.

Cấu trúc xương hàm trên vốn xốp mỏng, khi mất răng lâu ngày , xương hàm sẽ tiêu ngót dần theo thời gian, làm thể tích xương hàm vùng mất răng giảm xuống đáng kể. Để trồng răng Implant cần tăng thể tích xương tối thiểu để trụ Implant bám dính và thực hiện chức năng. Phương pháp nâng xoang đã được Tatum giới thiệu và phát triển vào cuối những năm 1970 để khắc phục vấn đề thiếu xương ở vùng răng sau hàm trên và đạt được nhiều thành công.

Tùy theo thể tích, mật độ xương hàm và vị trí, số lượng răng cần cấy ghép, bác sĩ sẽ lên kế hoạch nâng xoang ghép xương phù hợp với từng bệnh nhân, có 2 phương pháp nâng xoang ghép xương hiện nay là nâng xoang kín và nâng xoang hở.

Vị trí của xoang hàm
Vị trí của xoang hàm

Tại sao phải nâng xoang ghép xương khi cấy ghép Implant ?

– Vì xương hàm trên vốn xốp mỏng, khi mất răng thiếu xương Implant sẽ không bám được chắc vào trong xương hàm, dẫn tới thất bại cho răng Implant.

– Vì thiếu chiều cao xương tối thiểu cho độ dài Implant, khi cấy ghép vào vùng răng sau hàm trên dễ có thể gây biến chứng thủng màng xoang hàm, lọt Implant vào trong xoang hàm gây chảy máu, viêm nhiễm xoang hàm, diễn tiến có thể trầm trọng với người lớn tuổi, người mắc bệnh toàn thân.

Chỉ định nâng xoang, ghép xương

Bệnh nhân mất răng lâu ngày có chỉ định trồng răng Implant mà thiếu chiều cao xương cần thiết để cấy Implant vùng các răng hàm trên liên quan đến xoang hàm.

Chống chỉ định nâng xoang, ghép xương

– Khoảng phục hình quá thấp, khoảng gần xa vùng mất răng quá nhỏ, không đủ để đặt được phục hình.

– Người bệnh dưới 18 tuổi.

– Viêm nhiễm vùng xoang hàm cấp tính, có mủ.

– Viêm nhiễm cấp tính trong miệng.

– Người bệnh có bệnh toàn thân không cho phép phẫu thuật.

– Bệnh nhân tâm thần, không hợp tác.

Nâng xoang kín

– Thường được chỉ định khi thiếu phần xương cần thiết để cấy ghép, khoảng cách từ mào xương ổ răng đến đáy xoang hàm trên 4mm.

–  Phương pháp: Nâng màng xoang và đặt xương ghép từ đáy xoang hàm thông qua lỗ cấy Implant. Phương pháp này hạn chế về mặt phẫu thuật hơn phương pháp nâng xoang hở, bệnh nhân sẽ đỡ giảm sưng đau và thoải mái hơn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nền xoang hàm có độ dày xương tối thiểu 4mm, xoang hàm lành mạnh, thông thoáng. Nếu xoang hàm viêm nhiễm, dày dính, xơ hóa gây khó nâng tách màng xoang thì không nên nâng xoang kín mà phải nâng xoang hở để tránh gây biến chứng thủng xoang hàm.

Trình tự phẫu thuật:

– Sát trùng ngoài mặt.

– Bệnh nhân súc miệng với Clorhexidine 0.12%.

– Gây tê tại chỗ bằng Lidocaine 2%.

– Rạch đường rạch tại đỉnh sống hàm vùng cần phẫu thuật.

– Bóc tách bộc lộ phần xương.

– Một số trường hợp cấy răng đơn lẻ có thể không tạo vạt mà dùng mũi ống tròn cắt niêm mạc.

– Dùng mũi tròn lớn làm phẳng nhẹ vùng đỉnh sống hàm nếu sống hàm nhọn.

– Dùng mũi tròn 2mm định vị lỗ Implant .

– Dùng mũi khoan dài đường kính 2mm khoan định vị đến hết cách đáy xoang hàm #1mm .

– Kiểm tra hướng và vị trí bằng chốt hướng dẫn.

– Khoan lỗ đặt Implant bằng các mũi khoan từ nhỏ đến lớn, mũi lớn nhất bằng đường kính Implant tương lai.

– Dùng dụng cụ thích hợp tách màng xoang và nâng màng xoang.

– Thử nghiệm xem sự toàn vẹn của màng xoang.

– Trộn bột xương ghép với nước muối sinh lý hoặc máu của bệnh nhân.

– Bơm nhồi xương ghép vào lỗ đã tạo đến đủ khối lượng xương .

– Đặt Implant, vặn ốc hoặc trụ lành thương.

– Khâu đóng.

– Cắn gạc.

Quy trình nâng xoang kín

Nâng xoang hở

– Thường được chỉ định khi thiếu phần xương cần thiết để cấy ghép, khoảng cách từ mào xương ổ răng đến đáy xoang hàm dưới 4mm.

– Phương pháp: Nâng xoang hàm từ lỗ mở xương ở thành bên ngoài xoang hàm. Bác sĩ sẽ trực tiếp bộc lộ và nâng vén màng xoang nhẹ nhàng để tránh làm tổn xương thủng màng xoang, sau đó ghép lượng xương thích hợp để tăng thể tích xương vùng cần cấy ghép Implant. Phương pháp này xâm lấn hơn phương pháp nâng xoang kín, bệnh nhân sẽ khó chịu nhiều hơn sau thực hiện thủ thuật, tuy nhiên bác sĩ có thể kiểm soát được việc bảo vệ màng xoang, nhất là trong trường hợp màng xoang viêm xơ, dày dính. Nâng xoang hở áp dụng trong những trường hợp nền xương bên dưới có chiều dày dưới 4mm, cần ghép lượng xương nhiều hơn và cấy nhiều Implant tại 1 vùng bên xương hàm, màng xoang viêm xơ dính, khó tách bóc.

Trình tự phẫu thuật:

– Sát trùng ngoài mặt

– Bệnh nhân súc miệng

– Gây tê không đau

– Rạch đường rạch tại đỉnh sống hàm vùng cần phẫu thuật

– Bóc tách bộc lộ phần xương

– Dùng mũi khoan thích hợp khoan mở nhẹ thành bên xoang hàm đến khi ánh mờ màng xoang

– Dùng dụng cụ chuyên dụng bóc tách màng xoang

– Trộn bột xương ghép cùng máu bệnh nhân hoặc nước muối sinh lý

– Bơm và nhồi vật liệu xương ghép vào đáy xoang hàm qua cửa sổ mở xương đến khi khối lượng xương thích hợp

– Đặt màng Collagen

– Khâu đóng

– Cắn gạc

Quy trình nâng xoang hở

Qui trình cấy ghép Implant có nâng xoang, ghép xương tại bệnh viện

Ngày 1:

  • Bác sĩ khám tường tận tình trạng mất răng trong miệng, khoảng dành cho răng cấy ghép, tình trạng niêm mạc miệng, các chân răng còn sót, nhiễm trùng mạn tính trong miệng.
  • Chụp phim Cone beam CT đánh giá vùng mất răng 3 chiều  không gian, chất lượng xương, viêm nhiễm nếu có phải lấy ra, đánh giá trình trạng xoang hàm và chiều cao xương hàm để lên kế hoạch nâng xoang ghép xương phù hợp với từng bệnh nhân.
  • Lấy dấu mẫu hàm thạch cao của bệnh nhân để lên kế hoạch chi tiết phù hợp với chức năng ăn nhai của bệnh nhân.
  • Hỏi thăm tình trạng sức khỏe bệnh nhân, các bệnh lý mắc phải có ảnh hưởng đến tiên lượng phẫu thuật. có thể hội ý với bác sĩ nội khoa về vấn đề dùng thuốc và phẫu thuật.

Ngày 2: Phẫu thuật nâng xoang ghép xương như đã trình bày ở trên.

Ngày 3: Tái khám cắt chỉ sau 1 tuần sau phẫu thuật.

Thực hiện cấy ghép Implant với phương pháp nâng xoang hở sau 3 tháng lành thương. Bệnh nhân sẽ được chụp phim đánh giá mức độ tích hợp giữa xương nền và xương ghép, tình trạng xoang hàm, nếu ổn có thể thực hiện thủ thuật cấy Implant như thông thường.

Với phương pháp nâng xoang hở hoặc nâng xoang kín có cấy ghép Implant tức thì, sau 3 tháng lành thương cũng được chụp phim đánh giá mức độ tích hợp xương và Implant . Nếu ổn, có thể thực hiện bộc lộ Implant và làm phục hình trên Implant .

Nâng xoang trong cấy ghép Implant

Biến chứng phẫu thuật nâng xoang ghép xương.

– Chảy máu: Có thể chảy máu rỉ ra trong ngày phẫu thuật nơi vết thương. Bệnh nhân chỉ cần cắn chặt gạc, chườm lạnh ngoài mặt, hạn chế đưa lưỡi hoặc vật ngoại lai vào vết thương, không súc miệng với nước muối hoặc nước súc miệng mà không có chỉ định của bác sĩ, không nên dùng thuốc có tính kích thích. Nếu máu chảy nhiều, bạn nên quay lại để bác sĩ có thể can thiệp cầm máu kịp thời.

– Thủng màng xoang: Là biến chứng thường gặp, bác sĩ sẽ khâu lại nếu lỗ thủng nhỏ và tiếp tục thực hiện nâng xoang. Nếu lỗ thủng xoang lớn hoặc khó khậu, có thể ngưng lại và chờ đợi lành thương, phẫu thuật nâng xoang sẽ dời lại vào lần sau.

– Lọt Implant vào trong xoang: Khi xương bệnh nhân quá xốp mỏng, khi có thủng màng xoang trước đó, và khi tay nghề bác sĩ không vững có thể làm rơi Implant vào xoang hàm. lúc này, bác sĩ sẽ lấy Implant ra.

– Viêm xoang hàm: Xảy ra sau biến chứng thủng màng xoang hoặc rơi Implant vào xoang hàm, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc điều trị viêm xoang.

Chăm sóc sau nâng xoang , ghép xương

– Cắn gạc 30 phút theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Uống thuốc theo đơn.

– Không súc miệng với nước muối, nước súc miệng không có chỉ định của bác sĩ.

– Không đưa tay, lưỡi, tăm hoặc vật lạ vào vị trí phẫu thuật, tránh chảy máu và nhiễm trùng vết mổ.

– Ăn thức ăn mềm, ít gia vị, không ăn thức ăn dai cứng, quá nóng.

– Không uống rượu bia, hút thuốc lá, dùng thuốc kích thích trước và 2 tuần sau khi phẫu thuật.

– Không dùng ống hút, không xì mũi mạnh tránh làm tăng áp lực lên xoang hàm.

– Tái khám đúng hẹn.

bvdkgiadinh