Răng thừa ở trẻ em

Ở trẻ em, bộ răng sữa gồm 10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới. Ở người trưởng thành, bộ răng vĩnh viễn gồm 32 chiếc (tính cả răng khôn), 16 răng hàm trên và 16 răng hàm dưới. Răng thừa (răng dư) là răng mọc thêm, ngoài những răng bình thường trong 2 bộ răng kể trên và có thể được tìm thấy hầu như ở bất kỳ vị trí nào trên cung hàm.


Răng thừa nào hay gặp nhất ở trẻ em?


Ở trẻ nhỏ chưa tới tuổi thay răng (trung bình từ 0 – 6 tuổi), tất cả các răng của trẻ đều là răng sữa, hầu như rất ít gặp răng thừa ở giai đoạn này, nếu có thì thường cũng không cần điều trị gì, trừ khi răng đó bị sâu gây đau nhức.


Ở giai đoạn trẻ thay răng (giai đoạn bộ răng hỗn hợp, trung bình từ 6 – 12 tuổi), đây là giai đoạn hay phát hiện răng thừa nhất, vì nếu có răng thừa và răng đó có hướng mọc thuận lợi thì nó sẽ mọc cùng lúc với việc mọc răng vĩnh viễn.


Loại răng thừa hay gặp nhất chính là răng thừa mọc giữa 2 răng cửa giữa hàm trên, hay còn gọi là Răng Mesiodens, gặp ở độ tuổi từ 6 – 8 tuổi. Đây là thời điểm diễn ra quá trình thay 2 răng cửa giữa sữa hàm trên thành 2 răng cửa giữa vĩnh viễn. Triệu chứng thường gặp là xuất hiện 1 răng có hình dạng bất thường (không giống răng cửa) mọc chen giữa 2 răng cửa, hoặc lệch vào trong, ra ngoài, hoặc nhú ra trên vị trí của chiếc răng cửa giữa chưa mọc. Trường hợp của bé 7 tuổi ở trên là 1 ca rất hiếm gặp, đó là răng thừa đôi giữa hai răng cửa giữa hàm trên (Double Mesiodens), ít gặp hơn rất nhiều so với 1 răng Mesiodens.
Ngoài ra, trong giai đoạn bộ răng hỗn hợp còn có thể gặp răng thừa ở vùng răng cối nhỏ, xuất hiện với hình dạng giống như một chiếc răng cối nhỏ thứ 3, có thể mọc thẳng hàng, lệch ngoài hoặc lệch trong so với 2 răng cối nhỏ còn lại.
Ở giai đoạn bộ răng vĩnh viễn (sau 12 tuổi), lúc này nếu có răng thừa thường sẽ xuất hiện theo 2 kiểu. Hoặc răng thừa đã mọc và nằm chung cung hàm với các răng vĩnh viễn còn lại. Hoặc răng thừa nằm ngầm trong xương, chỉ phát hiện được qua chụp X-quang.


Tác hại của răng thừa ở trẻ em?
Răng thừa gây xáo trộn sự mọc răng ở trẻ. Sự xuất hiện của một răng thừa ở vị trí mọc của một răng vĩnh viễn, làm răng vĩnh viễn đó bị cản trở, không thể mọc lên theo cách thông thường. Kết quả là răng vĩnh viễn sẽ chậm mọc, hoặc mọc nhưng lệch, xiên, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng ăn nhai.
Răng thừa với hình dạng bất thường, xuất hiện trên cung hàm, không có chức năng gì, nhưng làm hàm răng bị mất cân đối, chiếm chỗ của các răng khác, gây tình trạng mọc răng chen chúc, hở kẽ răng, sai khớp cắn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng lâu dài của cả bộ răng.


Sự xuất hiện răng thừa đôi khi có thể đi kèm với một số bệnh lý như nang quanh thân răng, nhiễm trùng áp xe do răng thừa, hoặc dẫn đến tình trạng viêm nướu, sâu răng các răng kế cận do dễ gây giắt thức ăn, khó vệ sinh.

Làm thế nào để biết trẻ có răng thừa?


Thông thường dễ nhận biết nhất là trên hàm răng của trẻ xuất hiện một răng có hình dạng bất thường, không giống bất kỳ các răng nào khác trên hàm. Các răng Mesiodens thường có dạng mũi nhọn hình mũi giáo.


Răng thừa thường hay mọc lệch, sai vị trí so với các răng khác trên cung hàm. Nếu phát hiện một múi răng màu trắng nhú ra trên vùng khẩu cái hàm trên, hoặc mặt trong, mặt ngoài xương hàm, trong khi các răng trên cung hàm đã mọc đầy đủ, thì nó có thể là một chiếc răng thừa.


Răng thừa là một nguyên nhân gây nên sự mọc trễ hay mọc lệch của các răng vĩnh viễn. Vì vậy, nếu tới độ tuổi thay răng, tầm khoảng 7 – 8 tuổi đối với răng cửa giữa hàm trên, mà răng đó vẫn chưa mọc, hoặc mọc nhưng lệch theo hướng bất thường, thì đó là một dấu hiệu nghi ngờ. Khi đó, ba mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở Răng Hàm Mặt uy tín để khám và chẩn đoán chính xác tình trạng.


3 dấu hiệu trên là các dấu hiệu mà ba mẹ có thể tự nhận biết tại nhà. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện 3 dấu hiệu này mà có thể nhận biết được thì lúc đó chiếc răng thừa đã gây những ảnh hưởng nhất định lên bộ răng của trẻ. Vì vậy, tốt nhất là vào thời điểm trước khi trẻ bắt đầu thay răng (trước 6 tuổi), ba mẹ nên đưa trẻ đến khám răng tổng quát và thực hiện chụp 1 phim X quang răng toàn cảnh. Điều này giúp phát hiện hầu hết các bất thường về răng của trẻ ngay trước thời kỳ thay răng, khi đó sẽ có hướng điều trị thích hợp vào đúng thời điểm thích hợp, tránh những ảnh hưởng không đáng có của bất kỳ một rối loạn nào nếu như phát hiện muộn.

Nếu trẻ có răng thừa thì phải điều trị như thế nào?


Thông thường, một chiếc răng đã gọi là thừa, không có chức năng, mà còn gây nhiều tác hại, thì trong hầu hết trường hợp đều có chỉ định nhổ bỏ. Vấn đề là làm sao để phát hiện sớm và tiến hành nhổ vào đúng thời điểm mà ít gây ảnh hưởng nhất. Vì vậy, như đã nói ở mục trước, việc đưa trẻ đến khám răng tầm soát vào thời điểm trước 6 tuổi là rất quan trọng. Sau khi khám, chụp phim đầy đủ, bác sĩ sẽ tư vấn trẻ có vấn đề gì, cần phải điều trị gì và điều trị vào lúc nào.


Tuy nhiên, nhổ bỏ không phải lúc nào cũng là giải pháp được chọn lựa để điều trị răng thừa. Một số ít trường hợp, chúng có thể được theo dõi mà không cần phải nhổ bỏ, nếu hội tụ đủ các điều kiện sau:


– Các răng còn lại của bộ răng đã mọc đầy đủ, đúng quy luật chung, và chiếc răng thừa nằm thẳng hàng chung với các răng này, nằm ổn định trên cung răng, không gây xáo trộn về mặt khớp cắn, không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ bộ răng.
– Không có dự kiến điều trị chỉnh hình răng mặt
– Không gây nhồi nhét thức ăn, viêm nướu. Không liên quan đến bệnh lý nào khác cần phải điều trị.


Một số trường hợp dù không hội tụ đủ các yếu tố trên, nhưng nếu việc nhổ bỏ răng thừa sẽ gây phương hại các răng liên quan hoặc răng kế bên, hoặc gây biến chứng nghiêm trọng thì cũng cần cân nhắc theo dõi mà không chỉ định nhổ.