Sử dụng kem đánh răng như thế nào?

Thị trường kem đánh răng hiện nay hết sức phong phú và đa dạng, vì vậy việc lựa chọn kem đánh răng, đặc biệt kem đánh răng cho trẻ em như thế nào cho phù hợp đang được nhiều người quan tâm.

Tác dụng của kem đánh răng

Kem đánh răng có tác dụng làm sạch răng, có khả năng phòng ngừa sâu răng, giảm viêm nướu, giảm sự hình thành vôi răng, giảm nhạy cảm răng, giữ cho hơi thở thơm tho, có thể nói kem đánh răng là một bảo bối để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, kem đánh răng còn có tác dụng như mỹ phẩm: làm sạch những vết dính ngoại lai bám lên bề mặt răng (như những chất màu từ thức uống, thực phẩm, thuốc lá…), kem đánh răng không tẩy được sự đổi màu răng do nhiễm fluor, nhiễm tetracycline hay thay đổi màu răng theo tuổi.

Thành phần của một ống kem đánh răng

– Chất mài mòn: 20-40%.

– Nước: 20-40%.

– Chất làm ẩm (glycerin): 20-40%.

– Chất tạo bọt: 1-2%.

– Ngoài ra còn có các chất khác như: hương liệu, chất làm đặc, chất bảo quản và tác nhân điều trị khoảng 5%. Tác dụng làm sạch răng của kem đánh răng là nhờ vào chất mài mòn và chất đánh bóng.

Đặc điểm của chất mài mòn và tạo bóng

Chất mài mòn thường là silicon oxides, aluminium oxides, bicarbonate… Mức độ mài mòn tùy thuộc vào độ cứng của chất mài mòn, kích thước, hình dạng của hạt mài mòn, và một số yếu tố khác như: kỹ thuật chải răng, áp lực lúc chải răng, độ cứng của đầu lông bàn chải, hướng chải răng, số lần chải răng trong ngày. Chất mài mòn không làm tổn thương men răng nhưng làm cho men răng ít bóng, cho nên nhà sản xuất thường cho thêm chất đánh bóng vào kem đánh răng. Chất đánh bóng trong kem đánh răng thường là các hạt có kích thước nhỏ như: nhôm, canxi, thiếc, magiê… Việc lựa chọn kem đánh răng có chất mài mòn và đánh bóng hay không thì tùy thuộc vào nhu cầu mỗi người, nếu người có ít vết dính thì nên chọn loại kem đánh răng có chất đánh bóng mạnh và chất mài mòn thấp, nếu răng bị tích tụ vết dính vừa phải thì chọn loại kem đánh răng có chất mài mòn nhiều, nếu răng tích tụ vết dính nhiều thì chọn loại kem đánh răng có chất mài mòn cao.

Các tác nhân có tính trị liệu

Fluor: tăng cường tái khoáng hóa cho men răng, giảm sâu răng, làm cho xoang sâu phát triển chậm, sâu răng ít ảnh hưởng đến tủy răng.

Triclosan: giảm vi khuẩn trong mảng bám, ức chế sự lắng đọng của Ca/P, do đó làm giảm sự hình thành vôi răng, giảm mùi hôi trong miệng. Nó sẽ tăng tác dụng khi có sự kết hợp với copolymer hoặc citrate kẽm.

Hydrogen peroxide, carbamide peroxide: là tác nhân tẩy trắng răng, thường sử dụng kết hợp với chất tẩy trắng tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng thường xuyên có thể bị: chứng lưỡi có lông, hại tủy răng, tổn thương niêm mạc miệng, làm chậm lành các vết thương trong miệng. Chỉ sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Những điều lưu ý khi chọn kem đánh răng

Hàm lượng fluor trong kem đánh răng cho phù hợp, nhất là với trẻ em. Đối với trẻ dưới 3 tuổi không nên chọn kem đánh răng có fluor, trừ trường hợp có nguy cơ sâu răng cao. Trẻ em từ 3-6 tuổi nên chọn có hàm lượng fluor: 200-500ppm (1ppm= 10-6mg); từ 6 – 11 tuổi: 1.000ppm; 12 tuổi trở lên, có thể sử dụng kem đánh răng như người lớn: 1.000-1.500ppm.

Không nên dùng kem đánh răng người lớn cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chú ý trẻ có thể nuốt fluor trong kem đánh răng, nếu trẻ nuốt kem đánh răng trong thời gian dài, cộng thêm trẻ đang sống ở vùng có fluor hóa nước uống, thì khả năng răng bị nhiễm fluor rất cao. Chải răng cho trẻ cho đến khi trẻ có thể tự làm thuần thục, đặt kem đánh răng lên lòng bàn chải của trẻ một lượng bằng hạt đậu xanh, theo dõi việc chải răng và đặt kem đánh răng ngoài tầm tay của trẻ, dạy cho trẻ cách nhổ và súc miệng sạch sau khi chải răng và sử dụng bàn chải dành riêng cho trẻ.