Tác động mạnh từ những yếu tố bên ngoài như va đập do tai nạn, ngã, cắn phải vật cứng có thể gây ảnh hưởng tới men răng, khiến răng bị mẻ. Sứt mẻ răng tuy không gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ, tự ti trong giao tiếp trong hàng ngày nếu sứt mẻ răng trước. Vậy sứt mẻ răng, khắc phục thế nào?
1. Sứt mẻ răng là gì? Hậu quả sứt mẻ răng gây ra
Cấu tạo của răng bao gồm 3 lớp: Men răng, ngà răng, tủy răng. Men răng là lớp ngoài cùng bao bọc răng. Men răng cứng và chắc chắn giúp bảo vệ các mô bên trong, tuy nhiên nếu có sự tác động do va đập sẽ dễ khiến men răng bị tổn thương, cấu trúc răng bị vỡ 1 phần gọi là sứt mẻ răng.
Sứt mẻ răng tùy theo mức độ có thể làm cho ngà và tủy răng bị lô ra ngoài khiến ê buốt khi ăn, đặc biệt càng khó chịu nếu ăn phải đồ quá nóng hoặc quá lạnh.
Sứt mẻ răng thường xảy ra ở vùng cạnh cắn hoặc phần răng cửa, do đây là mặt trước của hàm răng, dễ bị va đập nhất. Mẻ răng khiến răng trở nên sắc nhọn, có thể làm cho các mô mềm ở trong khoang miệng dễ bị tổn thương. Mẻ răng cũng khiến vi khuẩn trong miệng dễ dàng tấn công vào cấu trúc bên trong răng, gây ra các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm tủy,… nếu để lâu không xử lý viêm răng còn có thể gây mất răng.
Bị mẻ răng khiến quá trình ăn uống và vệ sinh răng miệng cũng bất tiện hơn. Do đó, mặc dù sứt mẻ răng có thể không gây đau nhức nhưng vẫn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám để có cách khắc phục răng phù hợp, hiệu quả nhất. Ngoài ra sứt mẻ răng còn làm giảm tính thẩm mỹ.
2. Nguyên nhân gây sứt mẻ răng
Có nhiều nguyên nhân gây sứt mẻ răng nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sự tác động mạnh vào răng như:
- Bị chấn thương do va đập bên ngoài sẽ làm răng bị mẻ, gây cảm giác đau nhức kèm theo ê buốt khó chịu.
- Cắn phải những vật cứng như nắp chai, đũa, đá,…
- Có bệnh lý về răng miệng trước đó
- Cơ thể thiếu khoáng chất: Răng bị thiếu canxi, flour, khoáng chất dễ có nguy cơ cao bị vỡ, mẻ răng hơn khi nhai.
- Bị sâu răng cũng là nguyên nhân khiến cho răng bị mẻ, vỡ răng, gây cảm giác nhức buốt, khó chịu
Nguyên nhân khác gây sứt mẻ răng:
- Ăn nhiều đồ ngọt có hàm lượng đường cao, ăn thực phẩm chứa thành phần axit nhiều như cam, bưởi, chanh, nước ngọt có gas,… làm bào mòn, gây hại dễ bị mẻ răng.
- Nghiến răng: Khi nghiến răng, 2 hàm răng siết chặt và mạnh sẽ làm men răng bị mòn, răng yếu hơn.
3. Sứt mẻ răng, khắc phục thế nào?
Nếu bị mẻ răng, hạn chế dùng tay hoặc lưỡi chạm vào vị trí mẻ để tránh bị xước lưỡi. Giữ lại mảnh vỡ răng (nếu đủ to) để mang tới phòng khám để bác sỹ hàn lại răng.
Súc miệng sạch sẽ và đến gặp bác sĩ nha khoa để được thăm khám và có biện pháp xử lý hiệu quả.
4. Một số phương pháp khắc phục chỉnh hình răng sứt mẻ
4.1 Hàn răng bị mẻ
Mảnh răng bị mẻ, bạn nên cho vào chén sữa nhỏ mang tới nha sĩ để hàn. Canxi trong sữa sẽ giúp bảo vệ mảng răng mẻ.
4.2 Mài hoặc trám răng
Nếu không giữ được phần răng mẻ hoặc phần mẻ quá nhỏ, bác sĩ nha khoa có thể thực hiện trám răng. Đây là phương pháp dùng nhựa composite resin hoặc loại sứ để trám vào vùng răng bị mẻ để định hình lại hình dạng răng. Sử dụng tia cực tím để chỉnh và làm nhanh khô, cứng phần trám.
4.3 Bọc răng sứ
Sử dụng bọc răng sứ khi phần răng sứt lớn. Bác sĩ sẽ tư vấn, kiểm tra và chọn mẫu răng phù hợp với từng người.
Tốt nhất khi bị sứt, mẻ hoặc gặp các vấn đề gì về răng, việc đầu tiên bạn cần làm là tới gặp nha sĩ để được kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, lấy cao răng định kỳ để hạn chế sâu răng và nhiều vấn đề khác.
Bài viết liên quan: