Cách trị ê buốt răng sau sinh cho mẹ bỉm sữa

Tình trạng ê buốt răng sau sinh khiến mẹ ăn uống không ngon miệng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và cả sự hấp thu chất dinh dưỡng của bé. Vậy, cách trị ê buốt răng sau sinh cho mẹ bỉm sữa như thế nào? Cùng tìm đáp án qua bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân khiến ê buốt răng sau sinh là gì?

Chế độ dinh dưỡng

Khi mang thai, người mẹ cần rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu để thai nhi khỏe mạnh và phát triển bình thường. Đặc biệt, cơ thể mẹ cần một lượng lớn canxi để em bé phát triển xương. Lượng canxi bình thường không thể đủ cho 2 mẹ con.

Do đó, thiếu hụt một lượng canxi đáng kể khiến men răng bị bào mòn. Ê buốt răng sau sinh là tình trạng khó tránh khỏi.

Các bệnh lí răng miệng

Bên cạnh đó, một số bệnh lí về răng miệng, như viêm nướu, sâu răng, bệnh nha chu,.. đã xuất hiện trước lúc sinh con sẽ khiến cho tình trạng ê buốt răng sau sinh thêm nghiêm trọng.

Vệ sinh răng miệng không đúng cách

Trong lúc mang thai, các mẹ thường ăn uống nhiều thực phẩm chua cay, số lượng bữa ăn với nhiều dạng thức ăn cũng tăng đều tùy vào độ thèm ăn của các mẹ khiến mô răng hoặc chân răng dễ bị bào mòn.

Đồng thời, cách chăm sóc răng không đảm bảo kéo theo hậu quả tăng độ ê buốt cho răng sau này.

2. Bật mí cách trị ê buốt răng sau sinh cho mẹ bỉm sữa

Thông thường, cảm giác ê buốt răng không kéo dài. Tuy nhiên, ê buốt dữ dội xuất hiện trong quá trình ăn uống ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của chị em trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. 

Khi các đồ ăn nóng làm ê buốt hiện diện nằm ngoài khả năng chịu đựng, các bà mẹ đành chọn ăn nguội uống nguội để tránh cảm giác này. Điều đó ảnh hưởng đến dinh dưỡng cho các bà mẹ, vì thức ăn còn nóng luôn chứa đầy đủ dinh dưỡng nhất.

Vì vậy, hãy áp dụng ngay các cách trị ê buốt răng sau sinh dưới đây để sớm thoát khỏi tình trạng này nhé.

Bổ sung thực phẩm giàu canxi

Rau có lá màu xanh (rau chân vịt, cải xoăn, củ cải, rau diếp, cần tây, bông cải xanh, cải bắp, măng tây…), sữa chua, phô mai, đậu nành, rong biển và các loại hải sản (tôm, cua, cá, mực…) là những thực phẩm chứa hàm lượng canxi cao mà mẹ có thể đưa vào thực đơn hằng ngày.

Các thức ăn quá cứng hoặc dai cũng nên tránh để không tác động nhiều đến cấu trúc của răng. Vì vậy, các thực phẩm nên được nấu mềm và cắt nhỏ. Bên cạnh đó, hãy cân nhắc ở mức độ cho phép vì nếu tăng cường lượng canxi quá nhiều trong thời gian ngắn sẽ gây nên tình trạng khó tiêu, táo bón.

Hạn chế các thực phẩm quá nóng, quá lạnh hay quá chua và các loại đồ uống có ga để tránh kích thích răng và bào mòn men răng gây ê buốt.

Vệ sinh răng miệng cẩn thận

Sau khi sinh, cơ thể mẹ chưa hồi phục hẳn nên được tẩm bổ với nhiều thực phẩm. Do đó, vệ sinh răng miệng là vấn đề không được bỏ qua để loại trừ các vi khuẩn gây nên các bệnh lí về răng miệng, như: viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng,…

Đánh răng bằng bàn chải lông mềm, ít nhất ngày 2 lần vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.

Súc miệng bằng nước muối pha loãng tại nhà sau mỗi lần ăn để làm sạch mảng bám và tăng cường sức khỏe của nướu.

Xỉa răng bằng tăm là một thói quen không tốt. Do đó, sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ những vụn thức ăn bám ở kẻ răng.

Sử dụng kem đánh răng có chứa khoáng chất HAP (hydroxyapatite, fluoride, potassium nitrate… ) để bảo vệ men răng, ngăn chặn cảm giác ê buốt.