Bệnh nha chu là gì

Bệnh Nha Chu là gì?

Nha chu là một tổ chức xung quanh răng, có nhiệm vụ chống đỡ, giữ răng trong xương hàm. Một răng khỏe mạnh thường được giữ trong xương hàm bởi các yếu tố sau: xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Nướu sẽ ôm sát lấy răng để che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới, giúp ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập vào và làm hại răng. Nướu tốt sẽ giúp cho hàm răng tốt. Nha chu liên quan trực tiếp đến mô nâng đỡ quanh chân răng, bao gồm các bệnh của nướu và các bệnh lý phá hủy mô nâng đỡ sâu bên dưới nướu. Nha chu là nguyên nhân gây tình trạng mất răng.

Triệu chứng của bệnh nha chu Bệnh có 8 triệu chứng:
+ Nướu chảy máu khi chải răng.
+ Nướu sưng đỏ, dễ chảy máu.
+ Vôi răng đóng ở cổ răng.
+ Hôi miệng
+ Ấn vào nướu thấy mủ chảy ra.
+ Có cảm giác không bình thường khi nhai.
+ Răng lung lay.
+ Răng dịch chuyển và thưa dần.

Tác hại của bệnh viêm nha chu

Nha chu có nhiều cấp độ. Ban đầu bệnh không có biểu hiện gì bất thường, tiếp theo khi đụng vào nướu thì chảy máu và sau đó không đụng chạm nướu cũng tự chảy máu.
Ngoài việc phá hủy các mô nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, lệch răng, lung lay răng, bệnh nha chu còn gây hôi miệng làm người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp. Bên cạnh đó, bệnh còn có biến chứng như làm đau vùng thái dương, gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc ăn uống và tạo chứng đau dạ dày.

Bệnh nha chu và phụ nữ

Phụ nữ vào thời kỳ dậy thì, lúc hành kinh, mang thai hay mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao do cơ thể có sự xáo trộn nội tiết tố, làm tăng sinh mao mạch. Cho nên phụ nữ cần chú ý hơn đến vệ sinh răng miệng để hạn chế việc mắc phải bệnh nha chu. Khi có thai, ở miệng thai phụ xuất hiện những u nướu, thông thường u nướu này sẽ tự biến mất sau khi sinh nhưng nếu sau thai kỳ mà u nướu vẫn còn thì bệnh nhân cần đến nha khoa để được phẫu thuật. Vì vậy thai phụ không chỉ chú trọng việc khám thai mà còn phải quan tâm đến việc khám răng miệng trong thai kỳ.

Cách điều trị bệnh nha chu

Về mặt điều trị, phải lưu ý những dấu chứng lâm sàng và xem đây là các mục tiêu của điều trị nha chu. Trong đó yếu tố thẩm mỹ hẳn nhiên là một trong những mục tiêu khó quyết định nhất, tương ứng với đòi hỏi cao của bệnh nhân.
Trong trường hợp bị bệnh viêm nha chu, sau khi khám cẩn thận, chẩn đoán chính xác, lập một kế hoạch điều trị, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa nha chu hoặc bác sĩ RHM đa khoa thông tin cho biết về trình tự thực hiện kế hoạch điều trị cũng như ý nghĩa, hiệu quả, kết quả của việc điều trị như thế nào – từ các thủ thuật điều trị đơn giản đến các phương pháp điều trị phức tạp.

Kế hoạch điều trị được xác định tùy theo dạng bệnh khi bệnh nhân đến khám. Thông thường có 4 loại điều trị căn bản thường được áp dụng:
a. Điều trị khẩn cấp
Khi nào bệnh nha chu được điều trị khẩn cấp? Đây là câu hỏi chung của rất nhiều người.
Khi ở vùng nướu hoặc niêm mạc có ổ mủ (áp-xe = abcès) thì sẽ có chỉ định điều trị khẩn cấp.
Nhưng làm thế nào để biết được đó là ổ mủ nha chu? (thuật ngữ chuyên môn gọi là chẩn đoán). Nếu có ổ mủ nha chu như vậy thì có tự điều trị được không, hay phải đi khám bác sĩ chuyên khoa?
Thông thường, khi bị áp-xe như vậy, mọi người thường có thói quen đến nhà thuốc tân dược để mua vài loại kháng sinh (theo kinh nghiệm) rồi tự điều trị. Nếu may đúng thuốc, đúng hàm lượng, liều lượng điều trị thì ổ mủ sẽ giảm hoặc khỏi hẳn. Nhưng bệnh thì không khỏi. Lý do tại sao? Vì ổ mủ chỉ là cơn cấp tính của bệnh. Nói ổ mủ thì phải phân biệt ổ mủ của nướu hay ổ mủ do bệnh viêm nha chu (chuyên môn gọi là chẩn đoán phân biệt), và mỗi loại này có cách điều trị khác nhau. Chỉ có bác sĩ RHM đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa nha chu mới chẩn đoán phân biệt được và cho kế hoạch điều trị chính xác.
Vấn đề làm thế nào để chẩn đoán phân biệt không thuộc phạm vi bài viết này. Chỉ tạm tóm tắt là:
Khi cảm thấy, nhìn thấy hoặc sờ thấy một khối sưng ở vùng nướu hoặc niêm mạc có màu đỏ, đau nhiều hay ít, sờ thấy phập phều thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị bệnh sớm (cho dù có thể tự điều trị đẩy lui được cơn cấp tính).

Nếu tự điều trị ổ mủ giảm, hết đau, không đi khám chuyên khoa thì sau đó sẽ như thế nào?
Bệnh vẫn tồn tại và đi vào trạng thái mạn tính, sau đó thỉnh thoảng bộc phát cơn cấp tính, cứ tái diễn theo chu kỳ và ngày càng trầm trọng. Nếu ở giai đoạn bệnh về nướu thì có thể chuyển sang giai đoạn bệnh viêm nha chu, là giai đoạn nặng. Nếu là một ổ mủ của bệnh viêm nha chu thì bệnh diễn tiến tương tự theo chu kỳ, ngày càng trầm trọng và răng lung lay nhiều hơn, cuối cùng đưa đến mất răng.
b. Điều trị không phẫu thuật
Đây là loại điều trị căn bản nhất vì tỷ lệ áp dụng cao nhất, là bước điều trị đầu tiên cho mọi kế hoạch điều trị bệnh nha chu. Ở giai đoạn điều trị này, nếu có sự hợp tác của bệnh nhân thì kết quả rất khả quan. Loại điều trị này phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện qua 2 bước:

+ Điều trị sơ khởi

Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và đánh giá các yếu tố thuận lợi cho sự lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.

Ở bước điều trị này, bác sĩ phải loại bỏ các yếu tố vừa kể bằng cách:

– Chỉnh sửa hoặc thay thế tất cả những miếng trám không đúng kỹ thuật.

– Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình không đúng kỹ thuật.

– Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ (không thể giữ được).

– Cố định răng (nếu răng lung lay).

– Thực hiện phục hình tạm thời (nếu cần thiết).

– Cạo cao răng – xử lý mặt gốc răng

– Cạo cao răng (vôi răng)

Đây là một thủ thuật điều trị không nhất thiết phải do bác sĩ thực hiện, và nó được chỉ định cho tất cả mọi kế hoạch điều trị nha chu, nhất là với những trường hợp viêm nướu sẽ cho kết quả rất khả quan. Cạo cao răng là thủ thuật nhằm loại sạch vôi răng, mảng bám bằng dụng cụ cầm tay hoặc bằng máy siêu âm, làm láng mặt răng, tạo điều kiện cho mô nướu lành thương, trở lại trạng thái sinh lý của nướu. Do đó, bệnh nướu răng là dạng bệnh nha chu có tính hoàn nguyên.

Về mặt chuyên môn, thủ thuật điều trị này không làm hư răng, không làm mòn răng.

– Hư răng: ở đây thuật ngữ này muốn nói có ảnh hưởng đến bệnh lý tủy răng hay không?

Nếu sử dụng dụng cụ cầm tay thì không ảnh hưởng gì đến tủy răng, vì thao tác này tuy có sự ma sát giữa dụng cụ và mặt răng, nhưng với một biên độ di chuyển rất ngắn, nhẹ nhàng, dụng cụ sẽ không làm tăng nhiệt độ và gây hại cho tủy răng.

Nếu sử dụng máy siêu âm thì bắt buộc phải có nước phun sương liên tục với hai mục đích: Vừa không làm tăng nhiệt độ vừa rửa sạch vôi răng ngay khi bị đánh bật ra khỏi mặt răng, do đó cũng không ảnh hưởng gì đến tủy răng. Nhưng nếu vì lý do não đó, lúc sử dụng máy không có nước phun sương thì sẽ làm gia tăng nhiệt độ ở bề mặt răng, vì vậy không sử dụng máy trong tình trạng máy chạy không có nước phun sương.

– Mòn răng: Không gây mòn răng cho dù với dụng cụ cầm tay hay với máy siêu âm nếu người điều trị được huấn luyện, đào tạo cách sử dụng dụng cụ một cách thành thạo. Máy siêu âm là loại máy rung với tần số cao làm bật vôi ra khỏi mặt răng, chứ không có tác dụng mài mòn như máy siêu tốc dùng tạo xoang để trám răng. Hiệu ứng của máy cạo vôi siêu âm là đôi khi làm bệnh nhân có cảm giác ê buốt, nhưng đấy là cảm giác nhất thời và hồi phục tức thì, không gây hại cho răng.

Tuy nhiên, nếu sử dụng dụng cụ không thành thạo sẽ có nguy cơ làm tổn thương mô mềm với dụng cụ cầm tay và tổn thương mô cứng với máy siêu âm (trầy, sướt bề mặt răng).

Trên đây là hai phương tiện cạo vôi răng phổ biến nhất, hiệu quả nhất.

– Xử lý mặt gốc răng

Thủ thuật này được sử dụng để điều trị viêm nha chu, gọi là điều trị không phẫu thuật, do bác sĩ RHM đa khoa thực hiện nếu bệnh viêm nha chu nhẹ, nghĩa là túi nha chu không sâu lắm, độ mất bám dính ít, tiêu xương trên xương. Nếu bệnh nặng hơn, túi nha chu sâu (> 5mm, mất bám dính nhiều, tiêu xương ổ răng trầm trọng, viêm túi dưới xương hoặc túi trong xương), phải được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa nha chu. Dù ở mức độ nào của bệnh, nếu sau khi điều trị không phẫu thuật, bệnh không thuyên giảm, bước điều trị kế tiếp phải do bác sĩ chuyên khoa nha chu tái khám và điều trị phẫu thuật.

c. Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ áp dụng khi đã áp dụng các biện pháp điều trị thông thường nhưng bệnh không có dấu hiệu đáp ứng.

Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật nha chu và phải do bác sĩ chuyên khoa nha chu thực hiện.

d. Điều trị duy trì

Điều trị duy trì là gì? Có thể nói một bệnh nhân chuyển sang điều trị duy trì là bệnh đã được điều trị tốt. Điều trị duy trì có nghĩa là làm thế nào để bệnh không tái phát, nói cách khác là kiểm soát được bệnh bằng cách kiểm soát màng bám vi khuẩn và tái khám định kỳ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là giai đoạn điều trị duy trì kéo dài bao lâu? Ở bệnh viêm nha chu, điều trị duy trì kéo dài suốt thời gian các răng còn tồn tại trên cung hàm.

Kết quả điều trị tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố:

Nếu ở thời kỳ chỉ là bệnh viêm nướu thì kết quả điều trị rất khả quan. Vì bệnh nướu là bệnh hoàn nguyên nên sau khi điều trị, nướu sẽ trở lại trạng thái bình thường như trước khi bị bệnh.

Nếu đã viêm nha chu, kết quả điều trị tùy thuộc vào độ sâu của túi nha chu, mức độ tiêu xương, phương tiện, phương pháp và kỹ năng điều trị của bác sĩ cùng các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân nếu có. Tuy nhiên, còn có một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị là sự hợp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị.

VI. Các biện pháp phòng ngừa bệnh nha chu

Chúng ta biết rằng bệnh nha chu có khả năng xuất hiện rất sớm,tỉ lệ mắc bệnh rất cao, chúng không loại trừ một ai dù nam hay nữ,trẻ hay già…

Nguyên nhân gây bệnh nha chu chủ yếu là do vi khuẩn gây nên(chiếm đa số),do đó muốn phòng trách bệnh nha chu điều quan trọng cần phải:

1. Khi bệnh chưa xảy ra (Dự phòng cấp I)

– Chải răng đều đặn, thường xuyên ,kỹ lưỡng hàng ngày sau mỗi khi ăn và tối trước khi đi ngủ giúp cho răng lợi sạch sẽ,không còn mảng bám tích tụ trên răng lợi,xoa nắn lợi giúp phòng trách bệnh viêm lợi.

– Nên ăn nhiều các loại trái cây tươi,rau xanh.Khám răng định kỳ và điều trị sớm khi có dấu hiệu bệnh nha chu.

– Ngoài ra,chúng ta nên dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng,súc miệng hàng ngày với nước muối ấm pha loãng hay các dạng nước súc miệng giúp răng miệng sạch sẽ thơm tho.

2. Khi bệnh đã xảy ra (Dự phòng cấp II)

– Khi lợi bị viêm,việc chải răng đều đặn,thường xuyên,kỹ lưỡng hàng ngày sau mỗi khi ăn và trước khi ngủ cần phải làm tích cực và thường xuyên hơn.

– Khi bệnh mới khởi phát nếu được hướng dẫn và chăm sóc tốt thì bệnh sẽ khỏi nhanh chóng giúp lợi trở lại bình thường.

– Khi bị vôi răng (cao răng),nên đi khám bác sĩ nha khoa để lấy sạch vôi răng và hướng dẫn cách giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ và việc chải răng luôn là công việc quan trọng hàng đầu giúp làm giảm và phòng trách sự tiến triển trầm trọng của bệnh.

– Nên ăn nhiều các loại trái cây tươi,rau xanh.

– Khám răng định kỳ và điều trị sớm khi có dấu hiệu bệnh nha chu.

Nên nhớ:

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là bước cơ bản quyết định sự thành công trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh nha chu. Khi bị sưng nướu bệnh nhân càng phải chú ý giữ vệ sinh răng miệng kỹ hơn (bằng các loại bàn chải mềm với kem chải răng nha chu) để làm sạch các mảng bám thức ăn trên răng, và đến khám tại các cơ sở nha khoa để được điều trị kịp thời và đúng đắn.

1. Lợi có chắc thì răng mới khoẻ.

2. Nếu chăm sóc răng-sớm và kỹ lưỡng chúng ta có thể giữ bộ răng chắc khoẻ suốt đời.

3. Chải răng kỹ lưỡng,sạch sẽ, đều đặn hàng ngày với kem đánh răng ngay mỗi khi ăn và tối trước khi ngủ là việc làm hết sức quan trọng,khoa học và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sâu răng và bệnh nha chu.

4. Bệnh nha chu được phát hiện sớm sẽ điều trị được dễ dàng. Nếu không điều trị sớm, bệnh tiến triển nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, phức tạp, tốn kém nhiều, kết quả ít khả quan.

12 thoughts on “Bệnh nha chu là gì

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *